In bài viết

Dự thảo quy định chi tiết một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

(Chinhphu.vn) - Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

25/07/2024 16:01
Dự thảo quy định chi tiết một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Đây là đạo luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, cũng thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp và vũ khí huỷ diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 08 chương, 75 điều, trong đó, giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung, gồm: Đào tạo, huấn luyện và cấp chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (khoản 3 Điều 6); huấn luyện và cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (khoản 4 Điều 7); quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (khoản 3 Điều 8); thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (khoản 3 Điều 10); thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật (khoản 5 Điều 14); kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (khoản 6 Điều 17); các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 (khoản 1 Điều 74). Đồng thời, tại Quyết định số…../QĐ-TTg ngày…./7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, Bộ Công an được giao chủ trì, xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Bộ Công Thương được giao chủ trì, soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.

Vì vậy, để triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ thì việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết.

Dự thảo Nghị định gồm 05 chương, 24 điều

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 05 chương, 24 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung

Chương này gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao; kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Chương II. Kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao

Chương này gồm 03 điều (từ Điều 9 đến Điều 11) quy định về: Điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Chương III. Huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

Chương này gồm 07 điều (từ Điều 12 đến Điều 18) quy định về: Đối tượng huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; nội dung, thời gian, địa điểm, kinh phí tổ chức huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; tiêu chuẩn cán bộ huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thẩm quyền huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; thủ tục huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; kiểm tra, sát hạch, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Chương IV. Trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

Chương này gồm 04 điều (từ Điều 19 đến Điều 22) quy định về: Trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

Chương V. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 02 điều (từ Điều 23 đến Điều 24) quy định về: Hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước