Theo Bộ Quốc phòng, đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên các lĩnh vực, uy tín, vị thế trên trường quốc tế được nâng lên, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ngày càng công khai và quyết liệt hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt lợi dụng hoạt động hàng không thực hiện các hành vi thù địch, can thiệp bất hợp pháp để gây tiếng vang.
Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời chủ quyền Quốc gia là mục tiêu số một, Việt Nam còn có trách nhiệm quản lý, cung cấp dịch vụ không lưu trên hai vùng thông báo bay (FIR) do Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) giao. Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các ngành, lĩnh vực của đất nước phát triển mạnh mẽ, sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động bay đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho công tác quản lý vùng trời, thời cơ hội nhập, phát triển cũng là cơ hội cho các lực lượng thù địch phản động lợi dụng qua đường hàng không để thực hiện chống phá ta.
Để thực hiện tốt công tác quản lý vùng trời, quản lý bay không để bị bất ngờ từ trên không, trong những năm qua các đơn vị quân đội đã triển khai, làm tốt các nội dung hiệp đồng, phát huy thế mạnh của các lực lượng và khả năng của khí tài, trang bị, thường xuyên tổ chức trinh sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động bay, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị bất ngờ, bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng và quân sự.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ việc vi phạm đến vùng trời quốc gia, vi phạm đến an ninh, an toàn hàng không, vi phạm chế độ bay, vi phạm khu vực cấm bay... Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, an toàn hàng không cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ngăn ngừa, xử lý đối phó, trong đó cần sử dụng đến lực lượng không quân thực hiện bay chặn, bay kèm tàu bay vi phạm ra khỏi khu vực vi phạm hoặc bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh xuống các cảng hàng không, sân bay.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy định cụ thể về bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; nên khi có tình huống còn gặp khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn trong phối hợp thực hiện.
Từ tình hình trên, việc xây dựng Nghị định quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay của Chính phủ là rất cần thiết.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 21 điều, trong đó: Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 3). Chương II: Xử lý tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam (từ Điều 4 đến Điều 13). Chương III: Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan (từ Điều 14 đến Điều 19). Chương IV: Điều khoản thi hành (Điều 20 đến Điều 21).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Diệm Hoa