In bài viết

Dự thảo thay thế Thông tư 20: Vẫn hạn chế nhập khẩu song song?

(Chinhphu.vn) – Dự thảo mới của Bộ GTVT có những quy định được cho là gây tác động không khác gì Thông tư 20 của Bộ Công Thương bị dư luận phản đối gần đây và vẫn hạn chế nhập khẩu song song - hành vi bị cấm theo Luật Sở hữu trí tuệ.

07/09/2016 09:39
Đây là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đang được Bộ GTVT xây dựng.

Vấn đề trong dự thảo được VCCI quan tâm nhất là yêu cầu trong thành phần hồ sơ phải có Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng

Nội dung này đã từng được quy định tại Thông tư 31/2011/TT-BGTVT và Thông tư 55/2014/TT-BGTVT (sửa đổi Thông tư 31). Tuy nhiên, tại Thông tư 55, Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng chỉ áp dụng đối với phương thức kiểm tra xác nhận kiểu loại. Còn dự thảo mới yêu cầu giấy tờ này được áp dụng cho tất cả các phương thức kiểm tra.

Thông tư 31 và Thông tư 55 quy định nếu Việt Nam có hiệp định công nhận lẫn nhau với nước sản xuất, hoặc nhà máy sản xuất đã được Cơ quan Đăng kiểm của Việt Nam đánh giá COP, thì Việt Nam sẽ công nhận giá trị của Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng và sẽ miễn kiểm tra tại Việt Nam. Quy định như vậy giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính mà vẫn bảo đảm chất lượng phương tiện nhập khẩu.

Trong khi đó, quy định như trong dự thảo, ngay cả các trường hợp phải kiểm tra thực tế tại Việt Nam cũng phải có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng là không cần thiết, gây khó khăn, phức tạp về thủ tục hành chính.

Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu tại Việt Nam đang được tiến hành rất chặt chẽ. Nếu một phương tiện không có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, nhưng vẫn vượt qua được vòng kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam thì tức là vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam. Không có lý do gì để không cho một phương tiện như vậy được tham gia lưu thông.

Theo VCCI, việc bắt buộc phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng tức là đã yêu cầu một phương tiện phải được kiểm tra 2 lần, với nhiều nội dung trùng lặp, không cần thiết, gây tốn kém chi phí xã hội.

Các chi phí này cuối cùng sẽ được chuyển vào giá bán phương tiện đến tay người tiêu dùng. Trong trường hợp phương tiện được kiểm tra tại Việt Nam và không đáp ứng quy chuẩn của Việt Nam thì pháp luật đã có yêu cầu phải tái xuất. Đây là hình thức quản lý phù hợp.

Hạn chế nhập khẩu song song

Mặt khác, việc yêu cầu thêm Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với mọi phương thức kiểm tra gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối. Theo phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô, chỉ có xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua một bên phân phối trung gian thì không thể có.

Theo VCCI, quy định này sẽ có tác động không khác gì so với quy định phải có Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20/2011/TT-BCT đang được dư luận phản ánh thời gian gần đây.

Theo đó, sẽ chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối. Thông qua đó, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Đối với nhà sản xuất ô tô, việc quyết định giá bán sản phẩm của mình có sự khác biệt ở các vùng, các nước có thể mang lại lợi nhuận lớn. Cùng một dòng xe, nhà sản xuất có thể bán với giá thấp ở nơi này và bán với giá cao ở nơi khác nhằm thu lợi nhuận tối đa.

Việc phân biệt giá bán tại các thị trường khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, dòng xe A đang bán chậm hoặc phải thanh lý gấp tại thị trường X nên nhà sản xuất sẽ quyết định giảm giá thật sâu, trong khi cũng chính dòng xe A đó ở thị trường Y lại được ưu chuộng, nên nhà sản xuất sẽ nâng giá lên cao. Khi nhìn thấy sự chênh lệch giá đó, sẽ có những thương nhân nhỏ mang hàng từ thị trường X bán sang thị trường Y – gọi là nhập khẩu song song. Các nhà sản xuất thường không thích điều này và tìm mọi cách để ngăn cản nó.

Trong thực tiễn thương mại quốc tế, các biện pháp ngăn cản thường thấy là nhà sản xuất sẽ cấm nhà phân phối tại thị trường X bán xe sang thị trường Y. Hành vi này không được pháp luật Việt Nam cho phép theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ. Sở dĩ Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam quy định như vậy là vì việc nhập khẩu song song sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hạn chế quyền của các chủ nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.

VCCI khẳng định việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền của nhà sản xuất (tại Thông tư 20) hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất (tại Dự thảo Thông tư này) đã trao một thương quyền quá lớn cho nhà sản xuất tại nước ngoài mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Thành Đạt