In bài viết

Đưa hàng Việt tới kiều bào, cần nhiều giải pháp

(Chinhphu.vn) – Ước tính trị giá hàng Việt Nam được người Việt Nam định cư ở nước ngoài tiêu thụ mấy năm gần đây tăng lên tới gần trăm triệu USD mỗi năm. Số hàng xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng cỡ khoảng chục triệu USD hằng năm.

06/11/2012 10:16

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, kết quả trên còn rất nhỏ so với tiềm lực xuất khẩu của Việt Nam cũng như sức mua của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Một góc chợ của người Việt tại Hoa Kỳ

Nhu cầu các sản phẩm quê hương

Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 90 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp người Việt ở một số nước đã khá thành công trong việc nhập khẩu và phân phối các mặt hàng “Made in Vietnam”, như Công ty LESAND International Pty Ltd. tại Australia, HUNGFAT Trading Asien Livs AB, Saigon Food AB, Vietnam Handelscentre tại Thụy Điển...

Theo anh Trần Đăng Tâm, một du học sinh ở London (Anh), các sản phẩm của Việt Nam nơi anh ở chủ yếu là đồ ăn. “Thường thì các mặt hàng của Việt Nam chỉ được bán tại nơi tập trung đông các quán ăn, đồ ăn dành cho người châu Á. Ngoài ra, để tìm được các mặt hàng cũng như thông tin về hàng Việt Nam bên ngoài hầu như rất khó.

Tại Liên bang Nga, quốc gia có cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn khá lớn, các mặt hàng Việt Nam được người Việt tại đây sử dụng chủ yếu là thực phẩm.

Anh Nguyễn Thành Công, một người đã sống và làm việc tại Nga được 7 năm cho biết, do thói quen sinh hoạt, người Việt sinh sống ở đây vẫn giữ một số nếp sống đặc trưng thể hiện rõ ràng nhất là trong ẩm thực. Người Việt tại Nga vẫn sử dụng các mặt hàng thực phẩm thuần Việt như gạo, chè, rau quả, gia vị…

Quảng bá hạn chế, tiếp cận khó khăn

Thực tế rất đông kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thích sử dụng, cũng như muốn giới thiệu về sản phẩm đặc trưng của quê hương, nhưng trong cuộc sống hằng ngày ở nước sở tại không hẳn có nhiều thông tin tiếp cận trực tiếp với hàng Việt Nam, nhất là tại chợ, siêu thị, các cửa hàng phổ thông.

Nói như ông Phạm Quốc Toàn, Trưởng phòng Marketing, Công ty TNHH Đầu tư Incentra, Mátxcơva, hiện nay hàng thực phẩm chính thống từ Việt Nam được giới thiệu với thị trường Nga chỉ chủ yếu qua các Hội chợ triển lãm quốc tế như Worldfood 2012, triển lãm quốc tế chè, cà phê được tổ chức hàng năm tại Nga.

Còn ông Vũ Thế Hoàng, Phó Giám đốc, Trưởng văn phòng đại diện của Công ty N-M, Ukraina cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Ukraina có hơn 10.000 người sinh sống nên có nhu cầu sử dụng rất nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam như: hàng may mặc, giầy da, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thực phẩm chế biến, hàng nông lâm hải sản... Nhưng do việc giới thiệu hàng Việt Nam còn nhiều hạn chế, thiếu thông tin và hàng mẫu nên việc xuất khẩu hàng Việt Nam sang Ukraina còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường.

Trao đổi về những khó khăn này, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh yếu tố cạnh tranh toàn cầu của các sản phẩm hàng hóa nói chung, còn có lý do chủ quan là sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại ngay các thị trường có người Việt Nam định cư cũng chưa cao. Hơn nữa, việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong cộng đồng chưa hẳn bài bản.

Đặt ra nhiệm vụ xúc tiến thương mại

Có một thực tế nữa hiện nay là các doanh nghiệp trong nước còn ít quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Bởi vậy, nhiều mặt hàng khi xuất sang thị trường sở tại được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng sau đó xuất hiện hàng giả, hàng nhái nên bị người tiêu dùng tẩy chay.

Ngoài ra, hàng Việt Nam nhập vào các nước này còn nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã chưa bắt mắt, giá cả không cạnh tranh.

Trong Chỉ thị ban hành vào tháng 9/2012 vừa qua về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý công tác giới thiệu và đưa hàng Việt đến với cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Bộ Ngoại giao phải phối hợp với các đơn vị liên quan để giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và các cơ hội xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhất là các khu vực tập trung nhiều người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống.

Để khắc phục những nút thắt trong kế hoạch đưa hàng Việt Nam ra thế giới cũng như sản phẩm đến được với kiều bào, theo ông Đỗ Thắng Hải, công tác xúc tiến thương mại trong đó nòng cốt là Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia thời gian tới sẽ phải tập trung vào các mặt hàng, thị trường trọng điểm, phù hợp với sản phẩm, năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó có những chương trình tổ chức hội chợ triển lãm chuyên ngành, đoàn giao dịch thương mại tại các thị trường có nhiều người Việt Nam sinh sống như Mỹ, EU, Đông Âu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, quảng bá thương hiệu, sản phẩm Việt Nam tới người Việt ở nước ngoài.

Xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam

Ông Hải cũng cho rằng cần coi trọng hơn nữa việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam, không ngừng đổi mới mẫu mã, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ tín nhiệm với mọi khách hàng.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện chương trình Vinh danh các Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài. Mời các doanh nhân Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước tìm hiểu hàng hoá trong nước, tạo cơ hội nhập khẩu hàng Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài liên kết kinh doanh với đối tác trong nước hoặc với chính người bản xứ hợp tác sản xuất, gia công, chế biến hàng Việt ở nước sở tại.

Theo ông Hải, trong chuỗi các công việc trên, cần phát huy vai trò của các Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài.

Thu Hằng – Kim Huệ thực hiện