Tại cuộc họp thông báo kết quả phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chiều 01/2, Ban Nội chính Trung ương thông tin về nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong năm 2024.
Theo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, tại phiên họp thứ 25, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan và vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 8 vụ án, 11 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ năm 2024, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Cùng với đó, cần chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng được Ban Chỉ đạo lưu ý.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, đó là: Không được chủ quan, thỏa mãn; phải tiếp tục đẩy mạnh cả các giải pháp phòng và chống tham nhũng, tiêu cực một cách kiên quyết, kiên trì.
Trọng tâm là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; về thanh toán không dùng tiền mặt;...
Thực hiện hiệu quả các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ; trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Chỉ đạo tăng cường, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; khẩn trương hoàn thành kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, nhất là khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB.
Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụviêcthuôc diên Ban Chỉ đao theo dõi, chỉ đao theo Kế hoạch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTNTC... Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC.
LS