Ảnh minh họa |
Ngày 2/12/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng". Đây là lần đầu tiên nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào nhà trường một cách có hệ thống, thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với việc nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Theo lộ trình của Đề án, trước khi nội dung phòng, chống tham nhũng được giảng dạy trong các nhà trường, tổ chức dạy thí điểm tại 14 trường: (1) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; (2) Đại học Công đoàn; (3) Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; (4) Trung cấp sư phạm Mẫu giáo Hà Nội; (5) Học viện Cảnh sát nhân dân; (6) Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1 - Bộ Công an; (7) Học viện Chính trị Quân sự; (8) Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng; (9) Trường Chính trị Đà Nẵng; (10) Trường Sỹ quan Không quân (Nha Trang) - Bộ Quốc phòng; (11) Cao đẳng nghề Đà Nẵng; (12) Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; (13) Trường Cao đẳng nghề Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; (14) Trường Sỹ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) - Bộ Quốc phòng).
Đề án “Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” đã được tổ chức dạy thí điểm từ năm học 2011-2012. Trong năm đầu tiên, cả nước chỉ mới có 14 cơ sở giáo dục đại diện cho các bậc học từ trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tổ chức dạy thí điểm.
Ở cấp THPT, nội dung phòng, chống tham nhũng được lồng ghép vào môn học Giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa; các cấp học khác lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa và chương trình học tập chính trị, các môn về Luật… Đến năm 2015, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành điều chỉnh chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới thì nội dung phòng, chống tham nhũng sẽ được tích hợp, lồng ghép vào chương trình giảng dạy chính thức.
Phương Hiển