In bài viết

Đưa nước vào làm sống lại dòng sông Đáy

(Chinhphu.vn) - Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Dự án rà soát quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy đã đảm bảo mục tiêu phòng, chống lũ cho thủ đô Hà Nội với tần suất P=0,2%, tương ứng với lũ 500 năm xuất hiện một lần.

22/12/2009 19:04
 

Cần quy hoạch phòng chống lũ của các tuyến sông trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo mục tiêu kháng lũ của Hà Nội

Cho ý kiến về nội dung của Dự án trên đang được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn soạn thảo công phu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý việc đưa nước vào làm sống lại dòng sông Đáy, cải tạo môi trường dòng sông nằm trong nội đô, đặc biệt tính toán khả năng chuyển vào sông Đáy lưu lượng lũ khoảng 2.500 m3/s, dự phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho thành phố Hà Nội trong trường hợp xảy ra lũ vượt lũ thiết kế.

Chỉ đạo của Chính phủ "làm sống lại dòng sông Đáy" càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay phần lòng dẫn nước và bãi tràn bị bồi lắng, nhiều bãi giữa sông có xu thế phát triển rộng ra hai bên. Bên cạnh đó là tình trạng lấn chiếm, đổ đất, chất thải ra lòng sông, bãi sông, xuất hiện nhiều hành vi vi phạm Luật Đê điều.

Là một phân lưu của sông Hồng, sông Đáy nhận nước của sông Hồng ở địa phận Hà Nội giữa huyện Phúc Thọ và huyện Đan Phượng. Lưu lượng của sông bất thường nên mùa mưa thì lũ quét lại thêm dòng sông quanh co uốn khúc nên dễ tạo ra những ghềnh nước lớn. Đến mùa khô thì lòng sông có chỗ cạn lội qua được. 

Theo thông tin báo chí đưa trong những ngày gần đây, với khoảng trên 156.000 cơ sở công nghiệp, trong đó có 200 cơ sở sản xuất lớn trực tiếp xả nước thải vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy, chất thải đã khiến hai con sông này đi vào tình trạng "chết" dần từng ngày. Đó là chưa kể lượng nước thải công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý của cả 6 tỉnh. Trung bình mỗi ngày 2 con sông này phải tiếp nhận hơn 800.000 m3 nước thải.

Thực tế là kể từ năm 2003, sông Đáy cùng phụ lưu sông Nhuệ bị ô nhiễm nhiều vì nước thải không được khử biến, khiến hai dòng sông này đang bị coi là "sông chết".

 Sông Đáy chảy gọn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ với dòng sông chảy song song bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng. Sông Đáy có chiều dài khoảng 240 km và lưu vực (cùng với phụ lưu sông Nhuệ) hơn 7.500 km trên địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.

Cùng với hệ thống sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy đoạn qua Hà Nội là những tuyến sông thoát lũ chính của Thủ đô. Bởi vậy, việc quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội là quy hoạch có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện nội dung Dự án này trên cơ sở tính toán dòng chảy lũ có xét đến ảnh hưởng của yếu tố biến đổi khí hậu, so sánh các phương án đầu tư xây dựng nạo vét, cải tạo lòng sông Đáy, tu bổ nâng cấp hệ thống đê, đề xuất phương án tối ưu.

Theo tiến độ, Dự án này sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng cuối năm 2009 này.

Gia Bình
(Nguồn: Văn bản 355/TB-VPCP)