Ông Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Ông Lê Trí Thanh: Sau 4 năm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, kinh tế Quảng Nam tiếp tục phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với quy mô nền kinh tế gần 100.000 tỷ đồng, đứng vị thứ hai trong Vùng.
Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng và quy mô tăng nhanh. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 10,7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 66,3 triệu đồng. Ngành công nghiệp đóng góp tích cực vào nền kinh tế, nhất là sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhiều sản phẩm công nghiệp lợi thế của tỉnh tiếp tục mở rộng dây chuyền sản xuất và có các nhà máy mới đi vào hoạt động.
Ngành dịch vụ, du lịch phát triển nhanh và ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn đi vào hoạt động. Tổng lượt khách tham quan lưu trú 4 năm 2016-2019 ước gần 23 triệu lượt, tăng bình quân 15,7%/năm; trong đó khách quốc tế đạt hơn 12 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch tăng bình quân khoảng 18,6%/năm, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động.
Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh đến cuối năm 2019 là hơn 7.400 doanh nghiệp. 188 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 5,9 tỷ USD; nhiều dự án lớn đang triển khai, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Thu ngân sách của tỉnh tăng cao, riêng năm 2019, tổng thu ngân sách khoảng 23.000 tỷ đồng. Đặc biệt, kể từ năm 2017, sau 20 năm tái lập, Quảng Nam trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, có điều tiết về ngân sách Trung ương. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, đồng bộ, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều công trình đầu tư có quy mô lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực dân số, lao động, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa xã hội, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. An ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường. Có 98 xã hoàn thành nông thôn mới, đạt tỉ lệ 48%.
Tỉnh cũng giải quyết việc làm mới tăng thêm cho 71.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết 17.700 lao động. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực với tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 47,7% năm 2016 giảm xuống còn 39% năm 2019.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở nhóm khá và tốt so với cả nước.
Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu liên tục của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó tạo nên thế và lực mới để Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá, tăng cường đầu tư khai thác tốt hơn tiềm năng hiện có, mở rộng hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, phát triển nhanh và năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới.
Quảng Nam phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định.
Quảng Nam tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường ven biển. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Giai đoạn 2016-2018 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Quảng Nam đạt 10,47%, dẫn đầu các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên năm 2019 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt thấp, một số lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam ở mức cao. Năm 2019 có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra. Riêng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP (tăng 3,81% so với chỉ tiêu đề ra 7-7,5%) chưa đạt kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng không đạt như kỳ vọng chủ yếu là do ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tăng trưởng thấp do số lượng nhập khẩu ô tô tăng mạnh, trong nước có thêm sản phẩm ô tô cạnh tranh gay gắt với ô tô Trường Hải, nên doanh thu bán buôn ô tô giảm mạnh. Thêm vào đó, thời tiết năm 2019 bất lợi, hạn hán kéo dài làm cho lượng nước về các hồ đạt thấp đã ảnh hưởng đến sản lượng phát điện không đạt kế hoạch đề ra, giảm 8,6% giá trị tăng thêm tạo ra so với cả năm 2018; nông nghiệp giảm sản lượng lương thực; dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại hơn 16% tổng đàn với hơn 9.000 tấn thịt lợn bị tiêu hủy.
Ngoài nguyên nhân khách quan nói trên còn có nguyên nhân chủ quan, đó là năng lực dự báo chưa sát thực tế, trách nhiệm điều hành của các cấp, các ngành còn có mặt hạn chế. Việc chỉ đạo, điều hành ở một số khâu, lĩnh vực, một số việc có lúc chưa kịp thời, chưa mạnh mẽ và quyết liệt.
Khi quy mô nền kinh tế đã tăng cao, các ngành kinh tế tăng trưởng ổn định, nếu không xuất hiện nhân tố nổi trội tạo động lực thì tốc độ tăng trưởng các năm sau sẽ thấp hơn và bắt đầu chậm lại so với giai đoạn đầu. Trong bối cảnh phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) theo Nghị quyết số 177/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh, Quảng Nam cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong năm 2020.
Năm 2020 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 đề ra. Vậy Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
Ông Lê Trí Thanh: Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, cả nước tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy Quảng Nam tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn kiện đại hội đảng các cấp, đặc biệt là văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Nam lần thứ XXII.
Bên cạnh đó, năm 2020, Quảng Nam hết sức chú trọng đến công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; xây dựng với chất lượng cao các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Mục tiêu xuyên suốt trong văn kiện, quy hoạch, kế hoạch trung hạn của tỉnh là xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Nam trong sạch, vững mạnh; sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa con người Quảng Nam; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu xuyên suốt, cùng với với những cơ hội và thách thức mới, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá, trọng tâm cần tập trung hơn nữa đó là: Tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh. Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Các nhiệm vụ đột phá, chiến lược này nhằm mục đích cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, là động lực chính tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất lao động và phát triển bền vững, lâu dài. Đồng thời cũng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với Quảng Nam và của toàn xã hội.
Song song với thực hiện các nhiệm vụ đột phá, Quảng Nam chú trọng tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng toàn diện và đồng bộ hơn. Đối với cơ cấu ngành kinh tế, cần thay đổi cách thức tạo ra cơ cấu ngành kinh tế truyền thống sang cơ cấu ngành kinh tế hiện đại chủ yếu dựa vào lợi thế đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường, ít hao tốn tài nguyên, năng suất và giá trị gia tăng cao.
Đối với cơ cấu thành phần kinh tế, cần tạo các điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế. Cải thiện cơ chế, môi trường đầu tư để thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư phát triển sản xuất theo hướng đổi mới công nghệ, tăng năng suất. Kinh tế Nhà nước chỉ bảo đảm hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ công và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đầu tư công cần phải tập trung vào phát triển dịch vụ và kết cấu hạ tầng có ưu tiên cao. Thúc đẩy các cơ hội cho hợp tác công tư nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nguồn đầu tư công còn hạn chế.
Đối với cơ cấu vùng kinh tế, vùng Đông là vùng phát triển công nghiệp động lực của tỉnh Quảng Nam, vì thế sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất lắp ráp, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp hỗ trợ. Vùng Tây với các cụm công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng... gắn với việc quy hoạch vùng nguyên liệu. Tạo sự lan tỏa phát triển của vùng Đông thúc đẩy vùng Tây phát triển. Trong dài hạn từng bước tăng dần đầu tư cho vùng Tây để giảm dần khoảng cách phát triển giữa 2 vùng.
Ngành công nghiệp đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Nhiệm vụ rất quan trọng trong năm 2020 là tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ông có thể cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tại tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới?
Ông Lê Trí Thanh: Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quảng Nam tổ chức quán triệt Chỉ thị và xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện toàn diện và đồng bộ, đúng lộ trình thời gian và chất lượng các nội dung công việc. Trong đó tập trung hai nội dung hết sức quan trọng, đó là chuẩn bị chu đáo nội dung văn kiện và coi trọng chất lượng nhân sự.
Đối với chuẩn bị văn kiện, dự thảo văn kiện chính trị của cấp ủy trình đại hội gồm hai báo cáo chủ yếu, đó là báo cáo chính trị của đảng bộ và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy.
Trong đó nội dung báo cáo chính trị của đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại..., nhất là việc thực hiện các đột phá chiến lược; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, sát thực tế. Đồng thời quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và của cấp trên, cũng như điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 và tầm nhìn xa hơn.
Trong quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, các cấp ủy cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả.
Về công tác chuẩn bị nhân sự, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Cấp ủy các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung nêu tại chỉ thị để cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu ở cấp mình.
Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải hết sức coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm. Đồng thời, phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thế Phong (thực hiện)