In bài viết

Đưa ‘Thanh tra nhân dân’ vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(Chinhphu.vn) - Sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có chế định về "thanh tra nhân dân" trong dự thảo luật này để khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thực thi dân chủ ở cơ sở hiện nay.

23/03/2022 14:29
Đưa ‘Thanh tra nhân dân’ vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có chế định về "thanh tra nhân dân" trong dự thảo luật - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành dân chủ ở cơ sở

Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được điều chỉnh ở 4 văn bản là Nghị quyết 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 04 và Nghị định 145 của Chính phủ.

Các văn bản trên đã quy định tương đối đầy đủ nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đó là, nội dung và hình thức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện thiếu cụ thể, thiếu chế tài xử lý, vai trò tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa rõ ràng, sáng kiến của nhân dân chưa được đề cao…

Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, tổ chức; cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, chính sách trong đề nghị xây dựng dự án luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Phát huy rộng rãi phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo luật có các điểm mới gồm: Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của nhân dân.

Thẩm tra dự án luật, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành luật này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ XHCN với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" được đặc biệt nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Điểm mới của luật lần này là Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra sửa đổi) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại dự thảo luật quy định theo hướng khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của cơ quan này.

Đưa ‘Thanh tra nhân dân’ vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 3.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bổ sung chế định Thanh tra nhân dân vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Liên quan đến vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để xem xét kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc dự thảo Luật giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân sẽ làm giảm tính chi tiết và giá trị pháp lý của các quy định về Thanh tra nhân dân so với pháp luật hiện hành. Bởi đang từ quy định của luật lại chuyển xuống quy định tại nghị định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Thanh tra nhân dân là thiết chế làm chủ của dân ở cơ sở. Nhưng hiện nay vấn đề này đang được đặt trong Luật Thanh tra. Quốc hội đang có chương trình sửa đổi Luật Thanh tra và sẽ trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Chính phủ đang nghiên cứu và đề nghị Thanh tra nhân dân đưa sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tới đây, Luật Thanh tra chỉ tập trung chủ yếu vào Thanh tra Nhà nước, còn Thanh tra nhân dân đưa sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Chính phủ đều thống nhất vấn đề này nhưng hiện Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra có 12 điều nhưng đưa sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gom lại còn mấy điều và giao cho Chính phủ hướng dẫn. Do đó, Ủy ban Pháp luật muốn đưa Thanh tra nhân dân sang thì phải nâng lên viết thành một chương cho dày dặn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cần thiết có luật này để "luật hóa" một số quy định ở các nghị định và pháp lệnh. "Trước đây, Thanh tra nhân dân nằm trong Luật Thanh tra. Lần nào sửa Luật Thanh tra cũng bàn và cân nhắc Thanh tra nhân dân vì Luật Thanh tra chủ yếu điều chỉnh về Thanh tra Nhà nước. Bây giờ đã đến thời điểm tách Thanh tra nhân dân và đưa về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và nên đưa thành một chương riêng", bà Nga nói.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho rằng, cần quy định kỹ hơn vấn đề Thanh tra nhân dân vì đây là hình thức cụ thể, thiết chế cụ thể để thực hành dân chủ ở cơ sở. Do đó cần nghiên cứu thiết kế kỹ hơn vai trò của Thanh tra nhân dân và hoạt động của Thanh tra nhân dân.

"Trước đây vấn đề này đã được quy định tại Luật Thanh tra, coi là cơ chế thực hành dân chủ ở cơ sở, nhất là ở xã phường thị trấn, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp thì cần quy định kỹ hơn tại luật này để bảo đảm tính pháp lý trong phạm vi thực hành dân chủ", bà Thanh cho hay.

Lê Sơn