Ảnh minh họa |
Thông tư nêu rõ, phạt tiền 15 triệu đồng đối với cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức có liên quan có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Nếu có một tình tiết giảm nhẹ trở lên, mức phạt tiền là 10 triệu đồng; nếu có một tình tiết tăng nặng trở lên, mức phạt tiền là 20 triệu đồng.
Phát đến 10 triệu đồng vi phạm về niêm yết giá hàng hóa
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ, giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng bán của từng loại hàng hóa, dịch vụ tại các địa điểm sau: Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki ốt, quầy hàng thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hội chợ triển lãm có bán hàng.
Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, Bộ Tài chính quy định, phạt tiền 3,5 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi bán hàng hóa, thu tiền dịch vụ cao hơn giá niêm yết. Nếu có một tình tiết giảm nhẹ trở lên, mức phạt tiền là 2 triệu đồng. Nếu có một tình tiết tăng nặng trở lên, mức phạt tiền là 5 triệu đồng.
Ngoài ra, phạt tiền 7,5 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm việc niêm yết giá, bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, hoặc hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định phải niêm yết giá. Nếu có một tình tiết giảm nhẹ trở lên, mức phạt tiền là 5 triệu đồng, nếu có một tình tiết tăng nặng trở lên, mức phạt tiền là 10 triệu đồng.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2012.
Nghị định số 84/2011/NĐ-CP quy định tình tiết giảm nhẹ đối với hành vi vi phạm hành chính: Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn kịp thời, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do vi phạm của mình gây ra; Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo. Tình tiết tăng nặng: Vi phạm có tổ chức; vi phạm từ hai lần trở lên hoặc tái phạm trong lĩnh vực giá; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm... |
Thùy Trang