In bài viết

Đưa vấn đề “nút thắt cổ chai” ra Quốc hội

(Chinhphu.vn) - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận các ý kiến kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM và cho biết sẽ đưa các kiến nghị này ra kỳ họp Quốc hội tới đây…

10/10/2016 14:04
Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Cục Hải quan TP.HCM vừa có cuộc làm việc, báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM các vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành (gồm kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm nay phải kéo giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày, với hàng loạt giải pháp cụ thể. Nhưng theo các chuyên gia, những vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành đang là “nút thắt cổ chai” gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu này.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết những nỗ lực cố gắng của Cục Hải quan TP.HCM và một số cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời gian qua cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Còn phần gốc của vấn đề - những khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK hiện nay vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Theo phân tích của Cục Hải quan TP.HCM, quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay đối với hàng hóa XNK thật sự gây khó khăn về thủ tục giấy tờ, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa và trở thành gánh nặng chi phí cho DN.

Danh mục mặt hàng bắt buộc phải qua kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan quá nhiều, chiếm khoảng 30-35% hàng hóa nhập khẩu hiện nay và có nhiều mặt hàng trùng lắp phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.

Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khá cao, năm 2015, có gần 390.000 tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành, chiếm trên 36%; từ năm 2016 đến nay, lượng tờ khai phải kiểm tra chiếm gần 40% tổng số tờ khai hải quan phát sinh, trong khi đó, tỷ lệ tờ khai phát hiện vi phạm rất thấp, chưa đến 0,01% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra.

Theo Phó Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng, kết quả này cho thấy quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay không hiệu quả và hiệu lực. Chi phí mà DN phải bỏ ra để trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn và trở thành gánh nặng cho DN, nhưng lớn hơn gấp nhiều lần đó là gian thông quan bị kéo dài, DN không thể đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời làm giảm sức cạnh tranh, mất đi cơ hội của DN.

Mặt khác, quy định kiểm tra chuyên ngành hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến những nỗ lực cố gắng của ngành Hải quan trong việc cải cách thủ tục thông quan. Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và sử dụng hệ thống thông quan hàng hóa tự động đã tạo một bước ngoặt trong quản lý hải quan, phù hợp với quản lý của Hải quan thế giới và đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng của nước ta hiện nay.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ phân luồng hiện nay tại Cục Hải quan TP.HCM là: luồng Xanh 57,2%, Vàng  37,2%, Đỏ 5,56%, trong khi tỷ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sẽ được phân vào luồng Vàng hoặc Đỏ, vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số hàng hóa NK hiện nay. Nếu như tỷ lệ hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm xuống, chắc chắn tỷ lệ tờ khai luồng Xanh sẽ còn tăng lên nhiều nữa giúp thông quan hàng hóa được nhanh chóng.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã ghi nhận các ý kiến kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM và cho biết sẽ đưa các kiến nghị này ra kỳ họp Quốc hội tới đây để Quốc hội có ý kiến giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Những vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành cũng là một nội dung nổi bật trong báo cáo mới đây của Bộ KHĐT gửi Chính phủ.

Theo khảo sát, thời gian kiểm tra chuyên ngành cơ bản chưa được cải thiện. Kết quả đo thời gian thông quan tại một số hải quan cửa khẩu cho thấy, thời gian kiểm tra chuyên ngành vẫn kéo dài. Ví dụ, tại Hải quan Cần Thơ là 13,6 ngày; Đà Nẵng 19 ngày; Bình Định 18 ngày. Một số mặt hàng kiểm tra chất lượng có thời gian kiểm tra dài hơn nhiều như thiết bị y tế 40 ngày; kiểm tra hiệu suất năng lượng 43 ngày; kiểm tra chất lượng xe cứu hoả, cứu thương 79 ngày.

Chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng không giảm so với năm trước; chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn. Ví dụ, một DN nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng, chưa kể chi phí vận chuyển. Có DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm chi phí khoảng 6 tỷ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thuỷ sản.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể để xử lý các vướng mắc này. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiên quyết thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15%, xác định rõ trách nhiệm, giảm chồng chéo, giảm tiền kiểm, tăng sự cạnh tranh các đơn vị kiểm tra…

Thành Đạt