Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang |
Áp lực kinh tế đe dọa đến môi trường
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng môi trường tại Việt Nam, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, tại Việt Nam, năm 2020, thiên tai gây thiệt hại ước tính hơn 35.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra gần chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, gây ra thiệt hại ước tính khoảng 264,4 tỷ đồng. Việt Nam là quốc gia biển và chịu nhiều tác động của BĐKH toàn cầu. Hơn 10 năm qua, chất lượng môi trường biển suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế biển đều sẽ chịu tác động nặng nếu không có kế hoạch ứng phó hợp lý.
Trong 2 năm gần đây, nước ta gánh chịu hậu quả nặng nề từ các vấn đề ngập lụt, sạt lở, các vùng miền núi chịu thiệt hại lớn về người và của. Đề cập vấn đề này, TS. Bùi Quang Bình, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng cho rằng thiệt hại nặng nề một phần cũng là do công tác dự báo và cảnh báo mưa lũ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cùng với đó, việc di dời nhân dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét còn gặp khó khăn do thiếu quỹ đất...
Ngoài ra, áp lực về phát triển kinh tế đã kéo theo sự suy giảm môi trường đáng báo động. PGS.TS Võ Văn Minh, Đại học Sư phạm Đà Nẵng dẫn chứng: “Tính đến hết năm 2020, cả nước đã thành lập 968 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 30.000 ha, nhưng số lượng cụm công nghiệp có biện pháp bảo vệ môi trường, công trình xử lý nước thải còn khiêm tốn”.
Mô hình du lịch sinh thái tại rừng dừa Cẩm Thanh, TP. Hội An, Quảng Nam - Ảnh: VGP/Minh Trang |
Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương
Theo PGS.TS Võ Văn Minh, để phát triển bền vững dựa vào đại dương trong bối cảnh BĐKH, con người cần phải bảo vệ hệ sinh thái và khẩn trương triển khai các hoạt động phục hồi sinh thái. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của giai đoạn 2021-2030, thời hạn cuối cùng của các mục tiêu phát triển bền vững và cũng là mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa BĐKH toàn cầu.
Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học biển bởi đây chính là “chìa khóa” quyết định đến sự phát triển bền vững kinh tế biển trong bối cảnh BĐKH toàn cầu. Khoa học biển là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức, nên rất cần đầu tư nguồn lực, nhất là nguồn lực con người. Chính phủ cần đầu tư tài chính với cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu cũng như có chính sách thích hợp đối với các ngành đào tạo về khoa học biển.
“Hiện nay, các ngành đào tạo liên quan đến hải dương học, sinh học biển, tài nguyên và môi trường biển, thủy sản, BĐKH... rất khó thu hút người học. Và nếu không thu hút được người học thì sẽ khó có nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế bền vững như mong đợi”, ông Võ Văn Minh cho hay.
Đề xuất giải pháp quản trị môi trường bền vững, TS. Chu Mạnh Trinh, Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm (TP. Hội An) đã đưa ra một mô hình động về cộng đồng tham gia quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường góp phần ứng phó với BĐKH tại địa phương ven bển, đó là giao quyền cho cộng đồng quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An). Theo đó, một diện tích khá lớn rừng dừa nước Cẩm Thanh được giao quyền quản lý sinh thái đến với cộng đồng, thực hiện mô hình du lịch học tập cộng đồng.
Mô hình đã gắn kết các nguồn lực, nhân lực, nông dân của 3 làng dừa, lúa, rau; hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước tổ chức du lịch, các lớp học thực tế tại cộng đồng. Mô hình đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường, tăng thu nhập cho người dân, giữ gìn hệ sinh thái làng dừa, làng lúa, làng rau, tạo nên một sản phẩm du lịch học tập cộng đồng độc đáo.
Minh Trang