In bài viết

Dùng hóa chất diệt trùng tại DN thực phẩm thế nào là an toàn?

(Chinhphu.vn) – Không có quy định về các trường hợp được phép sử dụng hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, trường hợp cơ sở có bằng chứng chứng minh đang ngừng, tạm ngừng sản xuất, khi tiến hành sản xuất trở lại phải bảo đảm không còn các mối nguy đối với an toàn thực phẩm.

26/12/2018 11:02
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Rentokil Initial (Việt Nam) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung về sử dụng hoá chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Khái niệm “hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại”, được hiểu như thế nào là chính xác? Khái niệm “khu vực” được hiểu là không gian được giới hạn bởi trần, sàn và vách có đúng không?

Khu vực kho thành phẩm có thuộc khu vực được quy định không sử dụng hóa chất không?

Trong trạng thái cơ sở sản xuất thực phẩm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, thì có được phép sử dụng hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong trường hợp này hay không? Khu vực bếp có thuộc khu vực được quy định không sử dụng hóa chất hay không?

Trong điều kiện nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng được che đậy, để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, thì có được sử dụng hoá chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong các khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm hay không?

Hình thức xông hơi, khử trùng cho gạo, bột mì có thuộc phạm vi quy định của Nghị định này không và các đối tượng là trường học, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có thuộc phạm vi quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP không?

Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trả lời như sau:

Điểm e, Khoản 4, Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: “Sử dụng hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đứng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm”.

Quy định nêu trên nhằm kiểm soát nguy cơ của các mối nguy đối với an toàn thực phẩm quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 50 Luật An toàn thực phẩm, nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 4, Điều 3 Luật An toàn thực phẩm.

Việc xác định chủ thể vi phạm, hành vi vi phạm do đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính xác định khi tiến hành hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm tra.

Cụ thể về các câu hỏi của Công ty Rentokil Initial (Việt Nam) như sau:

1. Hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vậy gây hại là hóa chất có chứa hoạt chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại (gồm cả hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại đã được gia công chế biến thành chế phẩm diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại).

2. Khu vực được hiểu là không gian được giới hạn bởi trần, sàn và vách là đúng. Tuy nhiên, tùy theo từng loại hình sản xuất thực phẩm khoảng không gian được giới hạn bởi trần, sàn và vách phải đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất tương ứng.

3. Kho chứa thực phẩm gồm cả kho thành phẩm thuộc khu vực được quy định không sử dụng hóa chất như nêu trên.

4. Không có quy định của pháp luật về các trường hợp được phép sử dụng hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ sở có bằng chứng chứng minh đang ngừng, tạm ngừng hoạt động sản xuất thực phẩm, khi tiến hành sản xuất trở lại phải bảo đảm không còn các mối nguy đối với an toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

5. Khu vực bếp thuộc khu vực không sử dụng hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây gại.

6. Trong điều kiện khu vực sản xuất, kho chứa nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng mặc dù đã được che đậy để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất thì trong khu vực này không thuộc trường hợp được sử dụng hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm.

7. Hình thức xông hơi, khử trùng cho gạo, bột mì không thuộc phạm vi quy định của Điểm e, Khoản 4, Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này, cơ sở phải bảo đảm không gây ô nhiễm cho sản phẩm, không gây độc hại cho người tiêu dùng.

8. Các khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm trong nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trường học thuộc phạm vi quy định của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.

Chinhphu.vn