Ảnh minh họa |
Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và Quỹ bảo trì đường bộ của địa phương để sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư mới thay thế các cầu yếu không đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh đó rà soát cắm lại biển báo hiệu tải trọng cho phù hợp với thực tế đối với các cầu tiếp tục khai thác; bổ sung các biện pháp phòng hộ đối với các vị trí cáp, ắc neo tăng đơ nếu thấy cần thiết.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành quy định quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đối với các cầu treo và cầu dân sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong đầu tư, khai thác hệ thống cầu treo và cầu dân sinh trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong đầu tư, khai thác các cầu treo và cầu dân sinh trên cả nước.
Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua kiểm tra, rà soát các công trình cầu treo, cầu tạm và việc triển khai xây dựng các cầu dân sinh tại các địa phương cho thấy hiện có 1.944 cầu, trong đó trên hệ thống đường xã, thôn xóm, làng bản có 1.833 cầu (chiếm 94%); hệ thống đường huyện có 111 cầu (6%). Thời gian xây dựng đưa vào khai thác cầu trước năm 2000 chiếm 28%, từ năm 2000 đến nay 72%.
Theo Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, cầu treo được xây dựng ở vùng dân tộc, miền núi không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều cầu treo dân sinh đang khai thác nhưng không có đầy đủ biển báo an toàn giao thông và không có hướng dẫn khai thác, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro gây tai nạn giao thông cho người dân.
Phan Hiển