Vậy ông Thanh có thể nghỉ hưu với điều kiện như thế nào, hoặc có thể giải quyết chế độ thôi việc để ông được hưởng trợ cấp thôi việc.
Về vấn đề này, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng trả lời như sau:
Về chế độ trợ cấp thôi việc, căn cứ quy định tại Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, sau khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về BHXH, trừ các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Luật Viên chức. Cụ thể như sau:
Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước:
- Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
- Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng;
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008;
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Về hưởng lương hưu, căn cứ quy định tại Luật BHXH, người lao động khi nghỉ việc đã đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc (tối thiểu 20 năm) nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi.
Thu Hằng