Cách đây 25 năm đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1 chính thức được đưa vào vận hành đánh dấu một cột mốc đáng ghi nhớ lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam có “trục xương sống” 500 kV từ Bắc vào Nam, liên kết lưới điện 3 miền, thống nhất hệ thống điện cả nước.
Kỳ tích đường dây siêu cao áp đầu tiên tại Việt Nam
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hệ thống điện Việt Nam được chia làm ba khu vực riêng biệt: Khu vực miền Bắc tập trung một số nhà máy điện lớn, đặc biệt là nhà máy thủy điện Hòa Bình với tổng công suất thiết kế lớn nhất Đông Nam Á là 1.920 MW, nhưng không phát huy được tối đa công suất do cung lớn hơn cầu.
Khu vực miền Trung được cấp điện chủ yếu qua đường dây (ĐD) 220 kV có nguồn điện từ thủy điện Hòa Bình với chiều dài quá lớn nên công suất truyền tải bị hạn chế, chất lượng điện áp không đảm bảo, một số đường dây 66 kV và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu.
Trong khi đó miền Nam là khu vực có nhu cầu điện lớn lại luôn đối mặt với tình trạng cung không đủ cầu nên phải thường xuyên cắt điện để hạn chế phụ tải.
Để khắc phục tình trạng mất cân đối cung-cầu, trong khi miền Bắc “thừa điện” thì khu vực miền Trung và miền Nam lại thiếu điện, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1 nhằm truyền tải điện năng từ miền Bắc để cung cấp cho miền Trung và miền Nam, đồng thời liên kết hệ thống điện ba miền thành một khối thống nhất.
Đây là quyết định mang tính lịch sử, gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV với chiều dài lên tới 1.487 km, là một trong những đường dây siêu cao áp dài nhất thế giới vào thời điểm đó.
Ngày 5/4/1992, công trình đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1 đã được khởi công và sau 2 năm xây dựng thần tốc, vừa thiết kế, vừa thi công, ngày 27/5/1994 đã được đóng điện vận hành. Đây là kỳ tích chưa từng có trong việc xây dựng một đường dây siêu cao áp về mặt thời gian, khối lượng công việc và qua nhiều loại địa hình khó khăn, hiểm trở
Đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1 có điểm đầu là sân phân phối 500 kV nhà máy thủy điện Hòa Bình, điểm cuối là trạm biến áp (TBA) 500 kV Phú Lâm cùng với 5 TBA 500 kV tạo thành hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam.
Lãnh đạo EVNNPT chứng kiến việc sử dụng UAV kiểm tra đường dây 500 kV.. Ảnh/ VGP: Toàn Thắng |
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam có “trục xương sống” 500 kV từ Bắc vào Nam. Không chỉ hoàn thành sứ mệnh cấp bách ban đầu là giải quyết tình trạnh thiếu điện, tạo nền tảng và động lực phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh miền Trung, miền Nam, đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1 còn liên kết lưới điện 3 miền, thống nhất hệ thống điện cả nước, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp điện và chất lượng điện áp, đồng thời tạo điều kiện để khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống.
“Đây là công trình đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành điện Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, tạo tiền đề cho sự phát triển của lĩnh vực truyền tải điện trong những giai đoạn về sau, đồng thời khẳng định tầm nhìn vĩ mô của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, ông Đặng Phan Tường nhấn mạnh.
Gặp những người thợ đang ngày đêm “giữ vững mạch máu truyền tải điện quốc gia”
Có dip tham gia đoàn công tác của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đến thăm điểm nút quan trọng của đường dây 500 kV mạch 1 tại Gia Lai, cụ thể là trạm biến áp 500 kV Pleiku - điểm trung chuyển cho các luồng công suất từ tất cả các nguồn thủy điện trên dòng sông Sê San để cung cấp điện cho miền Nam, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những trọng trách và khó khăn vất vả mà những người thợ truyền tải điện nơi đây đang phải đối mặt.
Ông Đinh Văn Cường, Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai, người đã từng đảm nhiệm vị trí Trạm trưởng TBA 500 kV Pleiku nhiều năm trước nhớ lại, trước năm 1994, hệ thống điện tại 3 miền chưa được vận hành thống nhất dẫn đến tình trạng vùng thừa, vùng thiếu điện.
“Đường dây 500 kV mạch 1 đi vào vận hành đã tạo sự phân bổ đồng đều và sản lượng điện từ nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng được truyền tải qua đường dây này để cấp điện cho miền Nam. Đây là dấu ấn lịch sử của ngành điện”, ông Cường khẳng định.
Giữa cái nắng, cái gió của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, với nụ cười lấp lánh niềm tin, ông Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư Sê, người đã gắn bó với đường dây 500 kV mạch 1 từ khi đường dây này bắt đầu đi vào vận hành cho biết: Ông và những người thợ truyền tải điện ở đây đều nhận thức được tầm quan trọng trong việc quản lý, vận hành đường dây siêu cao áp đầu tiên của đất nước để góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Chính bởi tầm quan trọng đó, trách nhiệm của những người thợ đường dây cũng hết sức nặng nề.
“Từ năm 1994, chúng tôi đã được đào tạo để tiếp quản, vận hành đường dây. Lúc đầu không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ vì đây là lần đầu tiên nước ta có đường dây ở cấp điện áp 500 kV. Cùng với đó, điều kiện quản lý đường dây cũng gặp nhiều khó khăn vì đi qua địa bàn dân di cư tự do, qua khu vực đồng bào trồng cà phê, cao su, tiêu, chưa kể thời tiết khắc nghiệt mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi ảnh hưởng lớn đến quá trình quản lý, vận hành đường dây”, ông Tài cho biết.
Người thợ truyền tải điện sửa chữa,, bảo dưỡng đường dây 500 kV Bắc Nam. Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Khi được hỏi có “bí quết” gì để quản lý, vận hành hiệu quả đường dây trong phạm vi đã được phân công, vẫn nụ cười đôn hậu, ông Tài cho biết “những người thợ đường dây đã phải 3 cùng với bà con – cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ cùng tham gia bảo vệ đường dây, tiến hành chặt tỉa các loại cây trồng vi phạm khoảng cách, hành lang an toàn đường dây”.
Đến bây giờ vẫn thế, sau 25 năm đường dây được đóng điện và đưa vào vận hành, những người thợ truyền tải điện vẫn đang ngày đêm bám dân, bám sát đường dây để “mạch máu truyền tải điện” quốc gia đến với mọi miền của Tổ quốc.
Trong hành trình ấy, chúng tôi cũng được gặp những kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết. Điều cảm nhận được ở họ là bầu nhiệt huyết luôn sục sôi của tuổi trẻ và sự tự tin trong việc làm chủ khoa học công nghệ, kế thừa kinh nghiệm của lớp đàn anh đi trước tiếp tục, quản lý vận hành đường dây này.
Theo Kỹ sư Trần Thanh Hải, trực vận hành chính trạm biến áp 500 kV Pleiku: Kiến thức trong trường và thực tế là một khoảng cách rất lớn, đặc biệt là trong công tác quản lý, vận hành một TBA có vị trí đặc biệt quan trọng như trạm biến áp 500 kV Pleiku.
“Muốn vận hành thuần thục, làm chủ được khoa học công nghệ, người công nhân không còn cách nào khác là phải tự học hỏi, tham gia các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, nhất là học hỏi kinh nghiệm thực tế từ lớp đàn anh đi trước”.
Sau 25 năm kể từ khi hoàn thành đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã phát triển vượt bậc về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ.
Năm 1994, hệ thống truyền tải điện quốc gia chỉ có 1.487 km đường dây 500 kV; 1.913,7 km đường dây 220 kV; tổng dung lượng MBA 500 kV là 1.350 MVA và tổng dung lượng MBA 220 kV là 2.305 MVA thì hiện nay, EVNNPT đang quản lý vận hành 7.996 km đường dây 500 kV, tăng 5,4 lần; 17.207 km đường dây 220 kV, tăng 9 lần; 30 TBA 500 kV với tổng dung lượng là 33.300 MVA, tăng 24,7 lần; 123 TBA 220 kV tổng dung lượng là 54.188 MVA, tăng 23,5 lần so với năm 1994.
So sánh với các tổ chức truyền tải điện ở khu vực ASEAN, EVNNPT xếp thứ 3 về khối lượng quản lý vận hành đường dây và thứ 4 về tổng dung lượng MBA.
Toàn Thắng