Tại
Ảnh minh họa |
Nhu cầu đi lại bằng đường sắt ngày càng tăng
Vận tải bằng đường sắt là một loại hình vận tải có khối lượng vận chuyển lớn, thân thiện với môi trường, không ùn tắc và an toàn. Do vậy, để phát triển bền vững lâu dài, thoả mãn nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao thì ưu tiên xây dựng đường sắt cao tốc là rất cần thiết.
Tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có năng lực thông qua là 18 đôi tàu/ngày đêm và vận chuyển được nhiều nhất 5.400 khách/ngày đêm, nên không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt vào các đợt cao điểm như hè, lễ, tết. Dự báo nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt đến năm 2020 là 48.000 hành khách mỗi ngày, thì cần thiết phải có tuyến đường sắt cao tốc. Căn cứ kinh nghiệm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc của các nước và khả năng thực tế của Việt Nam, để đưa tuyến đường sắt cao tốc đi vào khai thác năm 2020, thời gian bắt đầu thiết kế xây dựng dự án phải được tiến hành muộn nhất vào năm 2012.
Khi tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam đi vào hoạt động sẽ giảm thời gian đi lại giữa hai trung tâm kinh tế-văn hoá hai đầu Bắc - Nam, nơi tập trung 85% dân số cả nước và đóng góp trên 90% GDP của quốc gia.
Tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy giao lưu giữa các vùng kinh tế; thúc đẩy quá trình đô thị hoá, tạo điều kiện quy hoạch đô thị, thuận lợi cho phân bổ lại dân cư và cải thiện tình trạng quá tải tại các đô thị lớn; thúc đẩy phát triển ngành du lịch; góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông đồng thời là động lực để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp.
Tuy nhiên, Dự án cũng gặp một số khó khăn. Đó là, vốn đầu tư lớn đòi hỏi phải có phương án huy động hợp lý, công nghệ kỹ thuật mới nên cần phải chuẩn bị sớm các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, khả năng thích ứng của kinh tế - xã hội Việt Nam khi đưa dự án vào vận hành khai thác, sử dụng quỹ đất lớn nên cần sớm quy hoạch giữ đất cho dự án và cần các quy chế đặc thù để có thể triển khai dự án được nhanh chóng và thuận lợi.
Hoàn chỉnh dự án để kêu gọi đầu tư
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, bổ sung hoàn chỉnh Dự án trước khi trình Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội xem xét.
Thủ tướng cũng lưu ý: Các cơ quan chức năng liên quan cần thuyết minh rõ sự cần thiết, hiệu quả KT – XH của Dự án. Đây cũng chính là cơ sở thuyết phục các nhà đầu tư, tài trợ cho vay vốn, khi Dự án được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.
Theo tính toán của các chuyên gia kể từ khi phê duyệt và bắt tay vào xây dựng thì đến năm 2020 có thể đưa vào khai thác đoạn Hà Nội-Vinh, đoạn Nha Trang-TP.Hồ Chí Minh. Đến năm 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Thời gian chạy tàu cao tốc từ Hà Nội - Vinh dự kiến là 1 giờ 24 phút; từ TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang là 1 giờ 30 phút.
Đường sắt cao tốc với nhiều ưu điểm nổi bật nên nhiều quốc gia đã đầu tư đường sắt cao tốc, đang tiếp tục phát triển hệ thống đường sắt cao tốc của mình như Nhật Bản, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… và các quốc gia chưa có thì đã tiến hành lập các dự án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc như Indonesia, Brazil, Mỹ…
Chủ đầu tư Dự án là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tư vấn lập Báo cáo đầu tư dự án: Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC) gồm: Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải (TRICC-JSC là đại diện liên danh), Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), Hiệp hội dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS), Công ty trách nhiệm hữu hạn Nippon Koie (NK). Tư vấn thẩm tra Báo cáo đầu tư dự án: Liên danh Tư vấn Nhật Bản - Việt Nam (TONICHI-RCIC) gồm: Công ty Tư vấn công trình TONICHI (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt (RCIC). Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (Dự án) có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.066.792 tỷ đồng (tương đương 55.853 triệu USD). |
Việt Đông- Nhật Bắc