Trao đổi với báo chí tại Hội nghị Tổng Giám đốc đường sắt các nước ASEAN lần thứ 42, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết 2 năm qua ngành đường sắt Việt Nam và các nước trong khu vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, ngành đường sắt đã thể hiện được vai trò cốt yếu của mình, đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước và duy trì hoạt động liên vận quốc tế.
Tổng doanh thu của ngành đường sắt trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 77% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa bị tác động của dịch COVID-19).
"Trong suốt thời gian khó khăn đó, hàng trăm chuyến tàu đưa người từ vùng dịch về quê hay những chuyến tàu miễn phí đưa các đoàn y bác sĩ, thiết bị máy móc và hàng hóa cứu trợ chi viện cho vùng dịch…", ông Mạnh cho hay.
Trong thời gian tới, ngoài duy trì, thúc đẩy vận tải hành khách, ngành đường sắt sẽ tăng cường khâu vận tải hàng hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng đường sắt liên vận quốc tế.
Về vận tải hành khách, hiện đơn vị đã đưa vào hoạt động các loại dịch vụ và phương tiện đáp ứng phân khúc vận chuyển hành khách. Ví dụ ở phân khúc cao, có toa xe chỉ chở 12 người và có khoang chỉ có 2 người.
Nhấn mạnh vận tải đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ tạo ra được các chuỗi vận chuyển góp phần đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế xã hội giữa các nước trong khu vực và thế giới, ông Đặng Sỹ Mạnh cho rằng đường sắt Việt Nam đã kết nối được với các nước trên thế giới ở cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai. Do đó, ngành đang đề xuất những giải pháp, định hướng và chương trình phát triển sắp đến để góp phần vào xây dựng bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Để tăng cường hội nhập, ngành đường sắt cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai nhiều ứng dụng như phần mềm bán vé điện tử, quản trị vận tải hàng hóa, tổ chức thư báo điện tử…
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo, yêu cầu ngành hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực trong thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế với Lào và Campuchia và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hiện nay Việt Nam cần phải tập trung phát triển đường sắt, vì đây là một trong 3 trụ cột đột phá về phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT cùng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sẽ chủ trì Đề án tái cơ cấu đường sắt Việt Nam để tiếp tục phát triển đường sắt Việt Nam theo quyết định của Trung ương, tiến tới đóng góp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh thông tin thêm, đường sắt và đường biển là 2 loại hình giao thông hàng hóa với chi phí vận tải thấp. Do đó Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc phát triển hạ tầng giao thông đường sắt.
Gần đây, Bộ GTVT đã trình Đề án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nối liền Hà Nội-TPHCM để tiếp tục góp phần phát triển kinh tế thông qua hệ thống kết nối đường sắt với tất cả các trung tâm kinh tế trên tuyến đường này.
Lưu Hương