Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp trong vay vốn ngân hàng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Lãi suất đã hạ nhưng doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã triển khai thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc giảm lãi suất tất cả các khoản cho vay về mức tối đa 15%/năm.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cho hay đến nay, trên địa bàn Hà Nội, các ngân hàng đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo giảm lãi vay cũ về tối đa 15%.
Cùng động thái này, nhiều tổ chức tín dụng giảm lãi suất xuống còn 15%/năm cho 30-50% các khoản vay và dự kiến sẽ hoàn thành việc giảm lãi suất toàn bộ các khoản vay trong tháng 7.
Riêng Vietcombank và BIDV đã hoàn thành việc giảm lãi suất toàn bộ các khoản vay xuống 15%/năm. Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), đến ngày 11/7 tỷ trọng dư nợ có lãi suất cho vay trên 15%/năm của ngân hàng chỉ ở mức khoảng 15%, còn lại 85% dư nợ đã nằm ở mức dưới 15%/năm. VietinBank cũng đưa ra nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nông nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế, với các doanh nghiệp nằm trong ngành nghề Chính phủ khuyến khích, VietinBank đã áp dụng mức lãi suất phổ biến là 10,5-12,5%/năm, đặc biệt cho vay thu mua lúa gạo tạm trữ xuất khẩu, lãi suất có thời điểm chỉ 9-10,5%/năm, cho vay tiêu dùng 13,5-14,5%/năm…
Việc chủ động hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao song cũng vẫn còn những băn khoăn, lo lắng.
Theo bà Nguyễn Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lexim (chuyên kinh doanh về thiết bị máy móc xây dựng, cho thuê máy móc thi công), cho rằng nếu nhìn vào lãi suất năm 2011 vẫn còn ở mức hơn 20%/năm, việc lãi suất về 15%/năm là điều các doanh nghiệp đều rất mong đợi. Cụ thể, Công ty của bà Hà đã được các ngân hàng như SHB, Eximbank hạ lãi suất các khoản nợ cũ. Tuy nhiên, thời hạn cụ thể là bao lâu cũng chưa rõ nhưng doanh nghiệp mong muốn lãi suất 15% giữ được ít nhất 1 năm.
Tại buổi đối thoại, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng dù điểm nóng nhất, vướng mắc nhất là lãi suất đã được giải quyết nhưng để tiếp cận được vốn với mức giá hợp lý thì cần có thêm những cởi mở trong quy trình thủ tục cho vay vốn từ phía ngân hàng.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, cho biết về tiếp cận vốn, do Sơn Hà là doanh nghiệp thuộc loại khá lớn nên không khó khăn lắm. Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tiếp cận khó khăn do thiếu tài sản đảm bảo dù có tiềm năng tốt. Vì vậy, ông Sơn kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng xem xét cho vay tín chấp.
Đại diện doanh nghiệp dự buổi đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cố gắng duy trì lãi suất thấp lâu dài
Giải tỏa băn khoăn của các doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định nếu lạm phát chỉ ở mức 7-8% thì việc ổn định lãi suất cho vay ở mức 15%/năm là hoàn toàn khả thi.
Với các trường hợp doanh nghiệp phản ánh bị ngân hàng “làm khó”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo trực tiếp chi nhánh ngân hàng phải lập tức xem xét trả lời về các khoản vay cho doanh nghiệp, không được để tồn đọng thêm. Đồng thời, Thống đốc khẳng định hiện tại các ngân hàng cạnh tranh quyết liệt để tìm kiếm khách hàng tốt, do đó, doanh nghiệp nào có khả năng tài chính tốt nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn thì có thể chuyển ngay sang đối tác khác.
“Chính phủ cũng như NHNN sắp tới cũng sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng cùng doanh nghiệp phân tích hiệu quả từng dự án để tiến hành cho vay tín chấp khi có đủ điều kiện”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định chính sách của NHNN là giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ, điều chỉnh tỷ giá phù hợp cung cầu thị trường theo hướng ổn định. Năm nay tỷ giá biến động không quá 2-3%. |
Về điều hành lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định mục tiêu số 1 vẫn phải là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không thể để lặp lại chu kỳ lạm phát như trước đây.
Với những vướng mắc về bình ổn giá, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cần có cách nhìn đa chiều hơn về chính sách bình ổn giá, đó là xây dựng mức giá hợp lý để đảm bảo có lợi nhất cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất trực tiếp, chứ không đơn thuần ghìm giá cao xuống thấp như thời gian qua.
Trước băn khoăn của một số doanh nghiệp về khó khăn tiếp cận vốn tín dụng trung và dài hạn, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, do thời gian qua gần như 100% vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn. Theo quy định không được sử dụng quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhưng thực tế các ngân hàng đã sử dụng 42% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vượt mức cho phép.
Để khắc phục tình trạng này, trong dài hạn cần phải ổn định kinh tế vĩ mô thì đường cong lãi suất mới hình thành theo hướng gửi vốn ngắn hạn hưởng lãi thấp, gửi trung và dài hạn có lãi suất cao hơn. Từ đó mới đủ sức hấp dẫn, tạo sự tin tưởng người dân gửi ngân hàng dài hạn, từ đó có thêm vốn cho vay trung và dài hạn.
“Giải pháp căn cơ hơn nữa là cần phải phát triển thị trường vốn, đó mới là nơi huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, chứ không thể kéo dài tình trạng hệ thống ngân hàng gánh cả 2 vai thị trường tiền tệ và thị trường vốn như hiện nay”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Huy Thắng