In bài viết

EAS: Trao đổi thẳng thắn, xây dựng về vấn đề Biển Đông

(Chinhphu.vn) - Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng về tình hình Biển Đông; nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

03/08/2019 12:02
Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á. Nguồn: Thế giới và Việt Nam

Ngày 2/8 tại Bangkok, Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Cấp cao Đông Á (EAS)  tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 9.

Các nước tham gia EAS gồm: 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia, Mỹ, Nga. 

Tại hội nghị, các nước tiếp tục khẳng định vai trò của EAS, sau 14 năm thành lập, là diễn đàn của các nhà lãnh đạo về các vấn đề chính trị và kinh tế mang tầm chiến lược, là bộ phận cấu thành quan trọng của cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ mà ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS trong tăng cường cách tiếp cận đa phương và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật các giá trị được thừa nhận của luật pháp quốc tế, đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực…

Nhân dịp này, các Bộ trưởng nhất trí kế hoạch trình Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 14 cuối năm 2019 xem xét thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố về chống buôn bán ma tuý; Tuyên bố về chống tội phạm xuyên quốc gia và Tuyên bố về kết nối.

Về tình hình quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng ghi nhận những diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây, trong đó có các tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore, Hà Nội và khu phi quân sự Bàn Môn Điếm.

Các nước ủng hộ các nỗ lực nối lại đàm phán, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và đối thoại để tìm giải pháp lâu dài cho mục tiêu phi hạt nhân hóa đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, vì nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên. Các nước EAS cũng khẳng định tiếp tục cam kết tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề này.

Tình hình Biển Đông được các nước trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. 

Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực.

Các Bộ trưởng EAS nhấn mạnh lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá của các nước về vai trò và vị trí quan trọng của EAS trong cấu trúc khu vực, nhất là trong bối cảnh những chuyển động phức tạp, khó lường của tình hình đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với EAS…

Phó Thủ tướng cho rằng hợp tác biển và kết nối là hai lĩnh vực mà các nước tham gia EAS có tiềm năng, phù hợp với quan tâm và nhu cầu hợp tác ở khu vực cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Về tình hình Biển Đông, tiếp theo việc các quan ngại được các nước EAS bày tỏ tại hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ thêm về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển; khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, qua đó, kêu gọi tăng cường các lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế./.

(BNG)