Những căng thẳng ở Khu vực Eurozone gia tăng vào cuối tuần qua trước thông tin tiêu cực về tình hình kinh tế khu vực và việc các nhà đầu tư tìm tới sự an toàn của trái phiếu chính phủ của Đức, do những lo ngại về tương lai của Hy Lạp trong Eurozone.
Kết quả một cuộc điều tra mới được công bố cho thấy, lòng tin kinh doanh ở Eurozone trong tháng 5 giảm mạnh nhất trong gần 3 năm, chỉ số này của Đức ở mức thấp nhất trong 6 tháng, còn của Pháp là thấp nhất trong 37 tháng. Trong khi đó, nếu trong cuộc bầu cử vào ngày 17/6 tới, các cử tri Hy Lạp ủng hộ các đảng đang chống lại việc cắt giảm chi tiêu và cải cách như được yêu cầu trong thỏa thuận cứu trợ, bộ 3 nhà tài trợ là EU, ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ dừng cấp tiền cho nước này. Điều này sẽ đẩy Hy Lạp đến chỗ phải ra khỏi Eurozone và gây ra những hậu quả khó lường cho các nước khác trong khối cũng đang có vấn đề về tài chính, đặc biệt là Tây Ban Nha.
Khi tất cả chưa có gì rõ ràng, các nhà đầu tư đang đổ tiền vào trái phiếu kỳ hạn 10 năm có độ an toàn cao của Đức, kéo lãi suất của loại trái phiếu này xuống mức thấp kỷ lục là 1,358%.
Trong khi đó, thành viên của Hội đồng Điều hành ECB, Eward Nowotny cảnh báo sẽ là một cú sốc lớn nếu Hy Lạp quay lại với đồng tiền của mình, đồng Drachma, và cho rằng số phận của châu Âu quan trọng đến mức không thể có những hành động thiếu cẩn trọng.
Phát biểu này muốn nhằm vào quan điểm của Ngân hàng Bundsbank của Đức, với việc cho rằng tác động của sự ra đi của Hy Lạp là có thể kiểm soát được.
Còn nhà phân tích Micheal Hewson của CMC Markets thì cho rằng nếu các nhà hoạch định chính sách không tìm ra được những những giải pháp mới và triệt để, châu Âu sẽ đứng trước sự lựa chọn hoặc tăng cường sự hội nhập về tài chính hoặc sẽ phải chứng kiến sự ra đi của đồng Euro.
Một số nhà phân tích cho rằng, nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone vào đầu năm 2013, sự lo ngại về ảnh hưởng dây chuyền sẽ buộc ECB phải cắt giảm lãi suất, tăng các khoản vay lãi suất thấp cho các ngân hàng có vấn đề và cứu trợ Tây Ban Nha.
Họ đề xuất các nhà lãnh đạo EU nên kết hợp giữa giải pháp dài hơi là phát hành trái phiếu chung của khu vực (Eurobond) với giải pháp trước mắt là bảo lãnh tiền gửi ngân hàng để giữ chân các nhà đầu tư tại các nước được cho là có nguy cơ sẽ ra khỏi Eurozone. Việc sử dụng Eurobond như một cách để hạ chi phí vay mượn của các nước thành viên yếu đã được thảo luận tại hội nghị diễn ra ngày 23/5 của EU.
Đây là ý tưởng mà Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ để huy động nguồn lực cần cho việc thực hiện các chính sách hướng tới tăng trưởng sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel kiên quyết phản đối, vì cho rằng một giải pháp như vậy sẽ làm giảm sức ép đối với các nước trong việc tiến hành cải cách, trong khi sẽ ảnh hưởng tới các nguyên tắc thị trường và việc phát hành Eurobond trước khi các nước thực thi chính sách chung về kinh tế và tài chính sẽ chỉ làm chồng chất thêm gánh nặng nợ của cả khối, đẩy chi phí vay mượn tăng cao hơn nên việc huy động các nguồn tài chính mới thông qua việc phát hành một loại trái phiếu chung như vậy sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực mà thậm chí còn làm vấn đề trầm trọng thêm.
Trong một diễn biến khác, ngày 26/5, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho biết, Chính phủ Anh đang lên kế hoạch kiểm soát người nhập cư để hạn chế tình hình nhập cư tràn lan của người Hy Lạp và cư dân các nước EU khác trong trường hợp khu vực Eurozone sụp đổ.
Nếu Hy Lạp buộc phải từ bỏ đồng Euro thì hàng triệu người sẽ mất việc làm và ra nước ngoài tìm việc, trong đó nước Anh được coi là điểm đến hấp dẫn vì nước này nằm ngoài khu vực Eurozone. Ngoài ra cũng có lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể sẽ nhanh chóng lan rộng sang các nước khác như Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha.
Nguyễn Thơ