In bài viết

Eurozone: Tránh được suy thoái trong gang tấc

(Chinhphu.vn) - Mùa đông ấm hơn, giá năng lượng thấp hơn và việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát suy thoái “trong gang tấc”.

29/04/2023 10:26
Eurozone: Tránh được suy thoái trong gang tấc - Ảnh 1.

Cảng hàng hóa Piraeus gần Athens, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Khu vực Eurozone đã gây bất ngờ khi tăng trưởng nhẹ bất chấp những dự đoán rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ đẩy khu vực này vào suy thoái.

Ngày 28/4, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố dữ liệu cho thấy trong quý I năm nay, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ tăng trưởng 0,1% so với quý trước đó do ảnh hưởng bởi lạm phát cao và biến động lãi suất trên thị trường.

Trong Eurozone, Đức - nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), ghi nhận tốc độ tăng trưởng trì trệ ở mức 0% so với quý IV/2022.

So với cùng kỳ năm ngoái, Đức là nền kinh tế duy nhất trong Eurozone chứng kiến mức suy giảm 0,1%.

Theo Eurostat, Đức vẫn đang chật vật ứng phó với tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, đặc biệt sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho phần lớn ngành công nghiệp của nước này.

Cũng theo Eurostat, quốc gia chứng kiến mức tăng trưởng GDP hằng quý cao nhất là Bồ Đào Nha (1,6%), tiếp theo là Tây Ban Nha, Italy và Latvia (cùng tăng 0,5%). Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của EU, tăng trưởng 0,2%.

Dữ liệu kinh tế của Eurozone phản ánh kết quả của quý cuối cùng của năm 2022, cũng tăng trưởng ở mức 0,1%, cho thấy khu vực này đã tạm thoát khỏi suy thoái nhưng lạm phát cao vẫn là một yếu tố rủi ro. Mặc dù lạm phát của Eurozone đã giảm bớt, nhưng vẫn ở mức 6,9% trên cơ sở hằng năm, cao gấp 3 lần so với mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Dữ liệu trên phù hợp với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Eurozone chỉ có thể tăng tốc vào năm tới.

Các nhà phân tích cho biết, triển vọng tăng trưởng có thể vẫn yếu nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn quyết tâm chống lại áp lực lạm phát cơ bản mạnh mẽ bằng mức lãi suất cao hơn.

"Mức tăng rất nhỏ của GDP trong quý I có nghĩa là Eurozone đã tránh được cuộc suy thoái kỹ thuật trong gang tấc", ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết.

"Tuy nhiên, nền kinh tế về cơ bản đã bị đình trệ do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc năng lượng, sau đó là thắt chặt tiền tệ. Chúng tôi nghĩ rằng hoạt động của nền kinh tế sẽ vẫn yếu trong các quý tới".

Mặc dù nền kinh tế Eurozone đã đi ngang trong 6 tháng qua, nhưng thành công của khu vực này trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái nghiêm trọng đã khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên. Thời điểm này năm ngoái, họ đã dự đoán một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Hiện dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách tiếp theo của ECB dự kiến diễn ra ngày 4/5 tới.

ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 3,5% kể từ tháng 7 năm ngoái. Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng này, Philip Lane, trong tuần này cho biết "bây giờ vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để chấm dứt chính sách tăng lãi suất".