Sau khi EVFTA có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 30/6, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường EU chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, ông Hải cho biết: “Dù phải chịu thuế nhập khẩu, nhưng các sản phẩm này đã thâm nhập rất mạnh vào EU. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, với việc xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế (cho hàng hóa nói chung nhập từ Việt Nam), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU sẽ càng lớn hơn nữa”.
Chẳng hạn, cà phê xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế 7,5-11,5%, nhưng đã đạt 1,09 tỷ USD năm 2019 (chiếm 37,9% giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam). Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu cà phê từ Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường rất quan trọng này.
Hay ngành thủy sản, hiện phần lớn thuế suất cơ sở nhập khẩu vào EU từ 6-22%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% dòng thuế còn lại xóa bỏ sau từ 3-7 năm… Đó là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU, nơi đang chiếm 11,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta…
Với mặt hàng gạo, năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD, bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa.
Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp... Do đó, việc thực thi Hiệp định EVFTA, đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là sự tiếp nối trong quá trình tuân thủ các yêu cầu này từ phía EU.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tận dụng rất nhiều cơ hội từ Hiệp định EVFTA, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
EVFTA thực sự sẽ là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm gỗ…
Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói..., góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Do vậy, ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD.
Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Vì thế, Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm), đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU là rất lớn nhưng thách thức cũng rất nhiều. Tuy nhiên, các điều kiện khắt khe cũng là một áp lực tích cực tới để thay đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn, lề lối làm việc từ Bộ NN&PTNT tới các địa phương, doanh nghiệp và nông dân.
Đỗ Hương