Làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận và đánh giá cao EVN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong hành trình 10 năm triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng là giai đoạn EVN đã phát triển mạnh mẽ nhất trong công tác chuyển đổi số.
Với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành và nỗ lực nội tại, EVN đã hoàn thành nhiều mục tiêu chuyển đổi số và đạt được một số số kết quả nổi bật. Cụ thể, Chỉ số tiếp cận điện năng xếp hạng thứ 27 trong tổng số 190 quốc gia, nền kinh tế; quy mô hệ thống nguồn điện đứng đầu ASEAN…
Ông Võ Quang Lâm cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành, EVN đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-EVN ngày 17/8/2016 về việc "Phê duyệt định hướng kế hoạch phát triển viễn thông phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2025 ".
Đồng thời, Tập đoàn cũng ban hành Định hướng kế hoạch phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2019 - 2025 và Định hướng cơ bản công tác tự động hóa trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029. Đây là cơ sở để các đơn vị trong toàn EVN phát triển hoạt động công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng và tự động hóa.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN cho biết, Tập đoàn đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Đối với công tác thể chế hóa, Đảng ủy Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn ban hành nhiều văn bản về ứng dụng và phát triển CNTT, về chuyển đổi số để cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW, nhằm đem lại hiệu quả cao trong triển khai nhiệm vụ chính trị.
Đối với việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, EVN đã xây dựng hệ thống truyền dẫn quang đường trục Bắc – Nam, thiết lập 9 vòng Ring liên tỉnh và hệ thống mạng truy nhập tại các tỉnh, thành phố.
Hệ thống mạng WAN cũng đã được phát triển, thiết kế theo mô hình hiện đại có dự phòng cao và kết nối đến tất cả các đơn vị thành viên.
Để góp phần xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, EVN đã đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân doanh nghiệp.
Theo đó, từ năm 2022, EVN đã hoàn thành triển khai hệ sinh thái số EVNConnect kết nối với các hệ thống hành chính công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, chuyển đổi nâng cấp các hệ thống lập hóa đơn, kết nối trực tiếp với Tổng cục Thuế.
Trong công tác thanh toán tiền điện, EVN đã tạo liên kết với các ngân hàng và tổ chức thanh toán… Nhờ đó, thiết thực mang đến các tiện ích số cho người dân, nâng cao trải nghiệm của khách hàng sử dụng điện trên không gian số.
Đoàn công tác tác Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao những kết quả nổi bật của EVN trong thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; khẳng định EVN là một trong những đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số. Đặc biệt, với vai trò ngành Điện là ngành "hạ tầng của hạ tầng", việc chuyển đổi số mạnh mẽ của EVN không chỉ tạo chuyển biến trong ngành mà còn tác động mạnh đến xã hội.
Đoàn công tác đã dành nhiều thời gian trao đổi, đánh giá về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tại EVN, đồng thời đề nghị EVN chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm, bài học trong quá trình chuyển đổi số tới các đơn vị khác trong cả nước, cùng góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.
Toàn Thắng