In bài viết

EVNCPC: Nhiều ứng dụng giải pháp KHCN được áp dụng mang lại hiệu quả cao

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, EVNCPC đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp khoa học công nghệ (KHCN) mang lại hiệu quả cao.

25/11/2022 09:46
EVNCPC: Nhiều ứng dụng giải pháp KHCN được áp dụng mang lại hiệu quả cao - Ảnh 1.

Đại diện PC Đà Nẵng trình bày chuyên đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống điện mặt trời mái nhà đến hoạt động của hệ thống tự động hóa DAS và đề xuất các giải pháp xử lý".

Chiều 24/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ của chương trình Hội nghị Khoa học và Công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2022 do Hội Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia" đã diễn ra 4 cuộc họp phân ban chuyên môn của các khối nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, kinh doanh và sử dụng điện.

Tham gia báo cáo tham luận tại cuộc họp phân ban của các khối, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tham gia trình bày 2 tham luận chuyên đề gồm: "Công tơ thông minh (Smart meters) trong hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI tại Việt Nam" và chuyên đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống điện mặt trời mái nhà đến hoạt động của hệ thống tự động hóa DAS và đề xuất các giải pháp xử lý". 

Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) Ngô Huy Chiến trình bày chuyên đề "Công tơ thông minh (Smart Meter) trong hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI tại Việt Nam". 

Chuyên đề tập trung nghiên cứu về vai trò, chức năng, yêu cầu của công tơ thông minh trong hạ tầng đo đếm tiên tiến, gọi tắt là công tơ AMI trên thế giới. Ngoài ra, chuyên đề cũng phân tích những ứng dụng hệ thống phần cứng và phần mềm do EVNCPC nghiên cứu và kết quả ứng dụng những bài toán ứng dụng của hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI của lưới điện thông minh mà ngành điện hướng tới.

Nằm trong chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh điện năng, ngoài việc tự sản xuất các sản phẩm công tơ điện tử, EVNCPC đã nghiên cứu xây dựng và ứng dụng thành công các giải pháp thu thập chỉ số công tơ từ xa phục vụ hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI, điển hình như hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS, hệ thống  thu thập số liệu công tơ tự động RF-Spider, hệ thống quản lý thiết bị trên nền thông tin địa lý RF-Spider-GIS.

Các giải pháp này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho công tác sản xuất kinh doanh cho ngành điện như tăng năng suất lao động, tự động hoá khâu ghi chỉ số, phát hiện các hành vi gian lận điện, tính toán tổn thất, theo dõi chất lượng điện cung cấp... nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng dùng điện. 

Công tơ thông minh và các giải pháp quản lý và thu thập dữ liệu khi áp dụng thực tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu của EVNCPC nói riêng và ngành điện nói chung; hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị thành viên tỉnh/thành khác, góp phần nâng cao chất lượng cạnh tranh toàn ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chuyên đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống điện mặt trời mái nhà đến hoạt động của hệ thống tự động hóa DAS và đề xuất các giải pháp xử lý" do nhóm tác giả của PC Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện.

Cùng với việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng vào năm 2016, 2017, 2018, PC Đà Nẵng đã thí điểm thành công dự án tự động hóa lưới điện phân phối với 7 xuất tuyến tại khu vực Ngũ Hành Sơn. Hệ thống tự động hóa lưới phân phối (DAS) đã giúp phát hiện nhanh sự cố, cô lập, tái cấu trúc lưới điện hoàn toàn tự động thông qua Trung tâm điều khiển, giảm thiểu thời gian mất điện khách hàng khi có sự cố.

Dự án DAS đã trở thành một thành phần chính của lưới điện thông minh, một công cụ hỗ trợ đắc lực cho ngành điện. Đến hết năm 2022, PC Đà Nẵng đã cơ bản tự động hóa toàn bộ lưới điện phân phối do Công ty quản lý trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Chức năng định vị điểm sự cố của chương trình FLISR - hệ thống DAS của PC Đà Nẵng phụ thuộc vào luồng công suất truyền tải đến điểm sự cố nhận biết thông qua các biến chỉ thị sự cố (FI) tại các thiết bị có trong mạch vòng để từ đó phần mềm định vị chính xác điểm sự cố.

Đề tài tổ chức nghiên cứu tác động do các nguồn năng lượng tái tạo như hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhà máy xử lý rác Khánh Sơn gây ra so với chức năng định vị điểm sự cố của chương trình FLISR-thuộc hệ thống DAS từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để đảm bảo sự hoạt động ổn định, tin cậy của DAS trong hệ thống có nhiều nguồn năng lượng tái tạo.

Các giải pháp KHCN trên của EVNCPC đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của EVNCPC nói riêng và toàn ngành điện nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Nhật Anh