Văn bản nêu rõ, trong tuần vừa qua sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, bình quân ghi nhận trên 1.200 ca/ngày (gấp gần 3 lần so với tuần trước).
Nguyên nhân chủ yếu do ý thức tuân thủ, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; một số đơn vị, địa phương có lúc còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Để chấn chỉnh, tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, UBND tỉnh Nam Định, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Nam Định yêu các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tuyên truyền nâng cao nâng cao ý thức người dân tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng, nhất là việc thực hiện yêu cầu 5K + vaccine, khai báo y tế, chủ động xét nghiệm khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở...
Tuyên truyền, vận động người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nơi tập trung đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các lễ cưới chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, tổ chức lễ tang với quy mô nhỏ gọn và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nghiêm nội dung trên và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ hai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, UBND tỉnh Nam Định giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ mũi 3 cho những người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3/2022.
Các huyện, thành phố phải tổ chức ít nhất 01 địa điểm tiêm cố định, liên tục 7/7 ngày trong tuần, thông báo rộng rãi, công khai địa điểm, thời gian để mọi người dân đến tiêm khi đủ điều kiện được tiêm và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 16/02/2022. Tiếp tục tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vaccine ngay tại nhà cho những người chưa được tiêm đủ vắc xin vì lý do sức khỏe không thể đến nơi tiêm tập trung; đảm bảo không bỏ sót người đủ điều kiện tiêm mà không được tiêm vaccine.
Sở Y tế chịu trách nhiệm phân bổ đủ số lượng vaccine cho các huyện, thành phố. Sở Y tế, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế.
Thứ tư, về xác định ca nhiễm COVID-19, Sở Y tế, các huyện, thành phố quán triệt, triển khai việc xác định ca nhiễm COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 đảm bảo xác định đúng số ca nhiễm để có các biện pháp quản lý, phòng, chống dịch phù hợp.
Sở Y tế có văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xác định, công bố các ca nhiễm COVID-19 theo quy định.
Khi nghi ngờ nhiễm COVID-19 khuyến khích người dân, các đơn vị xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR để khẳng định các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Thứ năm, về đánh giá cấp độ dịch, trên cơ sở số ca nhiễm được công bố, Sở Y tế, các huyện, thành phố thường xuyên đánh giá, cập nhật cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, thị trấn trên Cổng thông tin điện tử của địa phương, Sở Y tế, Bộ Y tế theo Văn bản số 49/UBND-VP7 ngày 31/01/2022.
Các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo đúng cấp độ dịch được công bố.
Thứ sáu, về quản lý F0, F1, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định giao các huyện, thành phố chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm việc cách ly F1, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà phải đảm bảo các điều kiện theo hướng dẫn của ngành y tế; đồng thời kiểm soát nghiêm nghặt việc cách ly, điều trị tại nhà theo quy định.
Các huyện, thành phố chủ động đảm bảo các điều kiện để duy trì hoạt động các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung, điều trị để kịp thời phục vụ các trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế, điều trị tại nhà.
Thứ bẩy, về công tác theo dõi, điều trị F0, các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, đảm bảo đầy đủ các điều kiện vận hành trạm y tế lưu động để hỗ trợ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ. Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của trạm y tế, trạm y tế lưu động để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, xử lý các trường hợp cấp bách.
Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại các ca nhiễm để có các phương án điều trị phù hợp, hiệu quả.
Sở Y tế, Sở Tài chính, Bệnh viện Phổi khẩn trương triển khai mua sắm, lắp đặt hệ thống ô xy trung tâm theo quy định để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng vừa và nặng.
Thứ tám, về đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các huyện, thành phố rà soát, có phương án mua sắm đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.
Thứ chín, về tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố thường xuyên nắm sát tình hình để chỉ đạo triển khai tốt phương án tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động cha (mẹ) học sinh thường xuyên phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động bố trí, sắp xếp chương trình học tập phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19.
Thứ mười, Công an tỉnh, các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 đối với các tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là các trường hợp lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.