![]() |
Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của hơn 1 tỷ người nghèo trên thế giới. |
Theo Tổ chức này, thế giới cần tăng đầu tư để phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh trên toàn cầu về các sản phẩm từ động vật như thịt, sữa...
Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf cho rằng phát triển chăn nuôi là nền tảng để phát triển nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh, sản lượng thịt hàng năm trên toàn cầu phải tăng từ mức 228 triệu tấn hiện nay lên 463 triệu tấn vào năm 2050. Nhu cầu sản phẩm thịt tăng là cơ hội để ngành chăn nuôi phát triển, góp phần phát triển kinh tế và xoá đói nghèo ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, chăn nuôi còn có thể đóng vai trò quan trọng cả trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với phúc lợi của con người.
APEC thỏa thuận thúc đẩy hội nhập khu vực
Tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản), các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã đạt được thỏa thuận về việc thúc đẩy hội nhập khu vực. Các đại biểu đặc biệt chú ý tới việc thông qua những biện pháp chung về chống bảo hộ mậu dịch và thiết lập không gian chung cho thương mại tự do.
Các vấn đề ưu tiên của APEC cũng bao gồm việc thực hiện những nỗ lực nhằm phát triển một chiến lược sẽ đảm bảo tăng trưởng của toàn bộ các nền kinh tế APEC, trong khi diễn đàn này đánh giá mức độ mà các nền kinh tế phát triển thành viên của tổ chức này đã đạt được theo các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư được đề ra vào năm 1994.
APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên hiện chiếm 50% sản lượng kinh tế thế giới và 44% giá trị thương mại toàn cầu.
Báo động về "bóng ma" bảo hộ mậu dịch
Ngày 23/2, Tổng Thư ký Hội nghị về thương mại và phát triển của LHQ (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi cho rằng nguy cơ bảo hộ mậu dịch tăng lên khi các biện pháp kích cầu được loại bỏ trong năm 2010 và nạn thất nghiệp có thể ngày càng trầm trọng hơn ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển.
Ông nhấn mạnh xu hướng bảo vệ nền kinh tế trong nước, bảo vệ việc làm và phúc lợi cho người dân thường dẫn đến bảo hộ mậu dịch. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế cũng hạn chế chính sách mở cửa của các nền kinh tế lớn trong khi các gói kích cầu lại khuyến khích tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước hơn là nhập khẩu.
Trong Báo cáo “Cảnh báo thương mại toàn cầu”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong quý IV/2009, lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ giữa năm 2008, số đơn kiện về các rào cản thương mại được WTO điều tra trong quý này đã tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước đó.
Từ tháng 10/2009, nhiều nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã áp dụng tới 80 biện pháp bảo hộ mậu dịch, mặc dù trước đó họ cam kết chống xu thế này. Những biện pháp bảo hộ mậu dịch trả đũa lẫn nhau có thể gây thiệt hại lớn cho hoạt động buôn bán, đầu tư và sự thịnh vượng của thế giới.
Nguyễn Đức Linh