Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP. Đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, trong đó kinh tế số chiếm 40% GRDP. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, TPHCM hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số quy mô hàng chục tỷ USD.
Tại HEF, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, TPHCM đang sở hữu nguồn lực và nền tảng để biến các khát vọng thành sự thật.
Thứ nhất, TPHCM hiện là ngọn cờ đi đầu về công nghệ thông tin của cả nước, là nơi ứng dụng các công nghệ mới hiệu quả nhất, đồng thời là kho dữ liệu tốt nhất trên cả nước.
Thứ hai, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện sở hữu nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, tương quan với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nhật Bản có 1,3 triệu kỹ sư thì số lượng này tại Việt Nam là hơn một triệu. Mảng giáo dục-đào tạo kỹ sư phần mềm, Việt Nam cũng xếp ở vị trí thứ 10.
Bên cạnh các kiến nghị dành cho lãnh đạo TPHCM, với vị thế là một trong những công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam, trong khuôn khổ phiên thứ hai của diễn đàn, Tập đoàn FPT mang đến những đề xuất dành cho cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố.
Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, chuyển đổi số thành công khi tạo ra sự biến đổi cân bằng, hài hòa về con người – kinh doanh – công nghệ. Các yếu tố này thay đổi không ngừng, nên chuyển đổi số thành công khi tạo ra khả năng nhận biết, đánh giá và tự cải thiện liên tục của doanh nghiệp nhằm tạo ra các đột phá.
Đối với FPT, chuyển đổi số cần thực hiện theo quy tắc 3 chữ "H" gồm Heart (trái tim), Head (bộ não), Hand (đôi tay). Tức là phải bắt đầu từ trái tim, khao khát chuyển đổi, sử dụng trí óc, các thành tựu công nghệ tiên tiến rồi bắt tay vào hành động. Tiếp theo là 3 chữ "S" gồm: Strategic Thinking (tư duy chiến lược), Start smart (khởi đầu thông minh), Scale fast (thành công thì nhân rộng nhanh). Chuyển đối số phải có tính chiến lược, cần lãnh đạo theo sát quá trình, cần đội ngũ hành động quyết liệt.
Đơn cử, với lĩnh vực bất động sản xây dựng, FPT đang hợp tác cùng hàng loạt các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam, chuyển đổi số có thể giúp gia tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, tạo dòng doanh thu mới. Sự gia nhập của các hệ thống quản trị tự động giúp các doanh nghiệp cải thiện tiến độ giao hàng và lợi nhuận dự án, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng.
Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, chuyển đổi số không phải là mua và ứng dụng các giải pháp công nghệ, mà là thay đổi toàn diện mô hình hoạt động dựa trên 3 yếu tố là tăng trải nghiệm khách hàng, tự động hóa quy trình và định hướng kinh doanh dựa trên dữ liệu. Từ đó, những sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện và tạo ra sự khác biệt.
Cũng theo ông Khoa, các doanh nghiệp truyền thống cần thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trước. Câu chuyện còn lại các chuyên gia, doanh nghiệp cung cấp nền tảng, giải pháp công nghệ có thể tham gia, đi cùng. Nền kinh tế số là hệ sinh thái rộng lớn, do đó hoàn toàn có đủ chỗ cho tất cả các cấu phần của nền kinh tế, dù nhà nước hay tư nhân, dù truyền thống hay startup.
Bên cạnh những hiến kế của lãnh đạo FPT trong các phiên trình bày, gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghệ cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện doanh nghiệp, chính quyền và cá nhân. Đa phần các sản phẩm đều thuộc hệ sinh thái công nghệ Made by FPT - một trong những động lực tăng trưởng chính Tập đoàn trong dài hạn, đồng thời là nhóm sản phẩm nhiều tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế số.
HM