Ảnh minh họa |
Tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt đề án sản xuất lúa đặc sản đến năm 2015, tập trung ở 34 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Trần Đề. Đề án này chủ yếu đầu tư cho phát triển các giống lúa thơm ST và Tài Nguyên mùa. Đây là các giống lúa có nhiều ưu thế tạo ra sự khác biệt vượt trội, gia tăng lợi tức cho nông dân.
Các doanh nghiệp thu mua gạo cho biết nhu cầu thị trường xuất khẩu gạo ST20 đang tăng lên. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty TNHH Trung An (Thốt Nốt-Cần Thơ) cho biết, từ vụ Đông Xuân (2011-2012), Trung An đã thu mua 600 tấn lúa ST20 ở huyện Ngã Năm (Sóc Trăng). Đến vụ Đông Xuân (2012-2013), Trung An thu mua ST20 tăng lên 1.100 tấn và vụ Hè Thu 2013 là 200 tấn.
Lúa ST20 chế biến gạo xuất khẩu bán được giá 900 USD/tấn (giá FOB). Ngay từ khi nhập lô hàng đầu tiên, khách hàng đã tỏ ra rất ưa chuộng, nhưng sản lượng còn ít, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu.
Trung An dự tính vụ Đông Xuân (2013-2014), tăng sản lượng thu mua lên 5.000 tấn và đang đề nghị Bộ NN-PTNT tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng vùng sản xuất giống lúa ST20 để tạo nguồn hàngxuất khẩu.
Từ vụ Đông Xuân (2012-2013), tại huyện Ngã Năm, Công ty Lương thực Sóc Trăng đã tham gia xây dựng cánh đồng mẫu (CĐML) 160 ha, gieo sạ chỉ một giống lúa ST20 và chuyển sang vụ Hè Thu 2013 tiếp tục mở rộng tăng lên 260 ha. Giá doanh nghiệp bao tiêu bình quân 6.300 đ/kg và xuất khẩu giá bình quân 900 USD/tấn. Với mức giá này đã xác lập kỷ lục mới, cao hơn giá xuất khẩu các loại gạo thơm khác năm 2012 gần 300 USD/tấn.
Tại thị trường nội địa, chất lượng gạo thơm ST20 được người tiêu dùng ưa chuộng, xếp vào loại gạo thơm đặc sản, bán lẻ tại Sóc Trăng 18.000 đ/kg, tại Cần Thơ 20.000 đ/kg và bán tại Hà Nội 22.000 đ/kg.