In bài viết

Gạo Việt Nam không bị 'tuýt còi' tại Thuỵ Điển

(Chinhphu.vn) - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, loại gạo kém chất lượng bị tạm giữ không phải chủng loại gạo Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển.

28/10/2024 18:19
Gạo Việt Nam không bị 'tuýt còi' tại Thuỵ Điển 
- Ảnh 1.

Loại gạo kém chất lượng bị tạm giữ không phải chủng loại gạo Việt Nam xuất khẩu sang Thuỵ Điển.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu cho biết, loại gạo kém chất lượng bị tạm giữ không phải chủng loại gạo Việt Nam xuất khẩu sang Thuỵ Điển. 

Gạo Việt Nam không bị tạm giữ tại Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển chủ yếu gạo Jasmine và Japonica. Trong khi đó, gạo vi phạm đợt này là basmati, có nguồn gốc xuất xứ từ các thị trường khác, không phải từ Việt Nam.

Trước đó, sáng 28/10, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển phát đi thông tin cảnh báo, Cơ quan An toàn Thực phẩm Thụy Điển đã phối hợp cùng cảnh sát, Cơ quan Môi trường Lao động, Hải quan và nhiều thành phố thực hiện chiến dịch điều tra diện rộng nhằm kiểm tra các nhà phân phối gạo.

Hơn 600 tấn gạo basmati đã được kiểm tra và phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm côn trùng, gạo hết hạn và nhãn mác ngày tháng bị giả mạo. Ở một số trường hợp, các nhà phân phối không thể cung cấp thông tin nguồn gốc gạo. Chỉ có 5% trong số gạo kiểm tra đạt chất lượng như cam kết. Tại nhà máy sản xuất gạo duy nhất ở Eskilstuna, cơ quan chức năng phát hiện gạo không phân loại đang được đóng gói lại thành gạo basmati trong một đợt kiểm tra bất ngờ.

Chính quyền thành phố đã khởi tố công ty này vì vi phạm Luật Thực phẩm, làm giả hồ sơ và khai báo sai. Tuy nhiên, theo trưởng điều tra sơ bộ Anton Larsson Forsberg, cảnh sát chưa có động thái cụ thể. Tổng cộng, 20 công ty ở 6 thành phố bị kiểm tra, với 5 công ty bị cấm bán và 14 công ty phải sửa nhãn mác. 

Động thái này của Thụy Điển một lần nữa cho thấy đây là thị trường có rất nhiều quy định khắt khe về sản phẩm.

Thụy Điển có nhiều quy định khắt khe về sản phẩm nhập khẩu

Về xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin, Thuỵ Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung có rất nhiều quy định, tiêu chí khắt khe về hàng hoá nhập khẩu, trong đó có gạo. Do đó, doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý đến những quy định của thị trường nhằm giữ thị phần cho sản phẩm, hàng hoá.

Đối với hạt gạo Việt, thời gian qua, Thương vụ đã tìm mọi giải pháp để đưa được hạt vào Việt Nam vào thị trường Thuỵ Điển. Trước năm 2019, mặt hàng gạo Việt Nam gần như vắng bóng trên thị trường Thụy Điển. Sau khi vận động cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở Thụy Điển "ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam", Thương vụ đã tích cực giới thiệu và quảng bá gạo Việt Nam. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các đầu mối nhập khẩu hàng châu Á nhập khẩu hàng. May mắn là, các doanh nghiệp Việt kiều tại Thuỵ Điển đã rất tích cực phối hợp cùng Thương vụ quảng bá, đưa hạt gạo Việt vào bán tại thị trường này.

"Sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Thụy Điển đã tăng từ vài chục ngàn USD lên 3 - 4 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thụy Điển nhập khẩu hơn 2 triệu USD gạo từ Việt Nam, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy chia sẻ.

Để gạo Việt Nam chinh phục tốt hơn thị trường Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo, các công ty nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng và các thông số kỹ thuật an toàn thực phẩm của gạo, cũng như trong việc phân phối cho người tiêu dùng và người bán lại nhỏ hơn. Đối với các nhà cung cấp gạo đặc sản, tốt nhất là nên thiết lập quan hệ đối tác vững chắc và tránh buôn bán gạo với số lượng lớn. 

PT