In bài viết

Gặp gỡ “con nuôi của Fidel”

(Chinhphu.vn) – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Đình Bin là người đã phiên dịch cho Fidel Castro trong rất nhiều lần làm việc với Việt Nam. Ông được Fidel rất quý mến, và được mọi người gọi là “con nuôi của Fidel”.

20/09/2013 15:19

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Chủ tịch Fidel Castro đi thăm Bảo tàng Quân sự Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin đứng thứ ba hàng đầu từ trái sang).

“Tôi có đặc ân được phiên dịch cho Chủ tịch Fidel Castro ngay từ khi còn là lưu học sinh ở Cuba và sau đó là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại La Habana và ở Bộ Ngoại giao”, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin kể lại.

Ông nhớ lần đầu tiên được dịch cho Fidel là khi Fidel đến dự chiêu đãi Quốc khánh 2/9/1965, khi đó ông Bin còn là sinh viên. Nói chuyện với Đại sứ nước ta, Fidel rất quan tâm, hỏi cụ thể tình hình cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ ở miền Nam cũng như chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc khi đó.

Ông đặc biệt nhớ hai lần khác Fidel đến Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần thứ nhất là khi được tin Bác Hồ mất tháng 9 năm 1969. Fidel  đến viếng Bác, gương mặt thật sự đau buồn, xúc động, ngồi lại rất lâu để hỏi chuyện về Bác Hồ, tỏ rất tiếc vì chưa được gặp Bác.

Sau này nhiều lần Fidel đã nhắc lại niềm tiếc nuối này. Ví dụ như trong phát biểu của ông tại buổi chiêu đãi kết thúc chuyến thăm Việt Nam đầu tiên tháng 9/1973: “Chúng tôi đến thăm đất nước anh hùng này với sự khâm phục lớn đối với nhân dân Việt Nam. Và chúng tôi ra về cùng với sự khâm phục còn lớn hơn. Chúng tôi được cổ vũ bởi thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam, bởi tấm gương tuyệt vời của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi chỉ có một nỗi đau là đã không đến Việt Nam trước ngày 3/9/1969, đã không có đặc ân được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng tôi vô cùng kính phục. Nhưng chúng tôi đã được bù đắp bởi được gặp và  trực tiếp tìm hiểu về nhân dân Việt Nam, qua đó thấy rõ sự nghiệp của Người, những lời chỉ bảo và giáo huấn của Người, công sức của Người, tấm gương của Người, ý chí anh hùng của Người, đức khiêm tốn của Người đã được phản chiếu trong nhân dân Việt Nam”.

Lần thứ hai là chiều tối ngày 30/4/1975, ngay sau khi nghe tin cuộc chiến đấu của nhân dân ta giải phóng miền  Nam, thống nhất đất nước toàn thắng, Fidel đã đến ngay Đại sứ quán nước ta để chúc mừng. Ông đặc biệt vui mừng, ôm hôn thật nồng nhiệt Đại sứ Hà Văn Lâu cùng các cán bộ của Đại sứ quán, coi thắng lợi của nhân dân ta như chính thắng lợi của nhân dân Cuba. Ông nói người cán bộ bảo vệ đưa ra một chai rượu rhum đặc biệt của Cuba đã được cất 70 năm và cho khui ngay rượu để chúc  mừng. Ông Bin cho rằng: “Fidel  ứng xử  rất thân tình như một người trong nhà chứ không phải  theo nghi thức ngoại giao”.

Chủ tịch Fidel Castro thăm Thành cổ Quảng Trị (ông Nguyễn Đình Bin ngoài cùng bên trái).

Ông Bin đã dịch nhiều lần cho Chủ tịch Fidel Castro trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam. Nhưng ấn tượng nhất và để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với ông là lần đầu tiên Chủ tịch sang thăm Việt Nam vào tháng 9/1973.

Ngày 12/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro đến Việt Nam. Ra đón đoàn tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) có rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta: Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Hai bên đường, hàng vạn đồng bào tay cầm cờ hoa đón chào Chủ tịch. Tiếng hô vang: "Viva Cuba! Viva Fidel!" không ngớt.

Trong chuyến thăm năm đó, Fidel nhất quyết yêu cầu được đi thăm "thủ phủ" của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị. Ông đã trở thành vị Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần cổ vũ nhân dân ta tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đi với Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm cấp Nhà nước lịch sử này. Đáng lẽ Fidel còn đi thăm Hải Phòng, Quảng Ninh và Điện Biên Phủ, nhưng do cuộc đảo chính của Pinochet ở Chile nên Fidel đã phải rút bớt thời gian và bay thẳng về Cuba. 

Khoảnh khắc thân tình tự nhiên giữa Chủ tịch Fidel Castro với Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin.

Ông Nguyễn Đình Bin luôn theo sát Chủ tịch Fidel Castro trong mọi hoạt động. Phiên dịch cho Fidel là việc làm rất khó khăn bởi Fidel là một nhà diễn thuyết tài ba, không bao giờ có văn bản trước và thường nói liên tục vài tiếng là chuyện bình thường. Nguyễn Đình Bin đã nỗ lực dịch một cách trung thành nhất và những bài dịch “vo” của ông hầu như được báo Nhân dân sử dụng mà không phải sửa chữa.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cảm nhận rằng Chủ tịch Fidel Castro không chỉ là Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba mà còn là một chiến sĩ quốc tế vĩ đại, hào sảng, nghĩa hiệp, đồng thời cũng rất nhân hậu, rất giản dị, rất gần gũi. Điều này đã thể hiện rất rõ trong tình hữu nghị, sự ủng hộ, tình đoàn kết quốc tế hết sức trong sáng, khảng khái của Fidel và Cuba đối với Việt Nam cũng như nhiều dân tộc anh em khác ở châu Phi và Mỹ La Tinh.

Phương Liên