In bài viết

Gặp gỡ, đối thoại với các tôn giáo, tạo đồng thuận trong phát triển đất nước

(Chinhphu.vn) – Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Tôn giáo Chính phủ chiều 18/1, tại Hà Nội.

18/01/2019 19:28

Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh: Công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ là nòng cốt và chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành có liên quan, tình hình tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực, công tác tôn giáo có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả. Các đại hội, sự kiện lớn của tôn giáo được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực cũng thông báo đến các đại biểu dự Hội nghị về kết quả tốt đẹp chuyến thăm chính thức của phái đoàn Chính phủ nước ta thăm và làm việc với Toà thánh Vatican tháng 10/2018 vừa qua. Chuyến thăm này của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã được Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Toà thành Parolin tiếp đón, hội đàm và đạt kết quả quan trọng.

Toà thánh đã dành cho Đoàn Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, tăng thêm sự gắn bó, hiểu biết giữa Toà thánh và Việt Nam. Toà thánh Vatican và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ hai bên từ Đặc phái viên không thường trực lên thành Đặc phái viên thường trực. Sắp tới Việt Nam sẽ đón phái đoàn cấp cao của Toà thánh Vatican thăm Việt Nam.

Các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc sẽ đem lại sự ổn định, hoà bình cho đất nước phát triển trên tinh thần chung là tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân, đề cao sự hoạt động đúng pháp luật của các tôn giáo trên tinh thần không phân biệt lương – giáo, đạo – đời, lấy đại đoàn kết toàn dân là mấu chốt quan trọng gắn kết và tạo sức mạnh chung của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nêu lên những hạn chế, bất cập như hiệu lực quản lý Nhà nước ở một số nơi chưa cao, một số nơi chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức về công tác tôn giáo…

Về phương hướng, nhiệm vụ của ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị toàn ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, triển khai nghiêm túc các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan như văn hoá, giáo dục, y tế… bảo đảm đồng bộ với pháp luật về tôn giáo.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo để thống nhất nhận thức và hành động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ tôn giáo trong tình hình mới. Xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thông chính trị, các bộ ngành chức năng và địa phương cần nắm chắc tình hình để tham mưu, xử lý kịp thời, đúng chính sách pháp luật, các phát sinh trong hoạt động tôn giáo, tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo và đồng bào có đạo, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm, nâng cao năng lực tham mưu, xử lý, giải quyết.

“Quan tâm gặp gỡ, làm việc với các tổ chức tôn giáo để đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những vấn đề chính đáng, tạo sự đồng thuận để xây dựng và phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo cần chủ động phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương trong tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề tôn giáo phức tạp. Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; không để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động nắm tình hình, không để bị động, bất ngờ; giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp mới phát sinh.

“Có thái độ kiên quyết xử lý nghiêm những người chống đối, lợi dụng vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân gây rối trật tự trị an, huỷ hoại tài sản của Nhà nước và công dân, phá hoại sự đoàn kết trong nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Bộ Nội vụ và các cấp uỷ đảng, các tỉnh, thành phố cần quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường đối ngoại tôn giáo, tham gia vào các cơ chế, diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Tham gia có trách nhiệm vào diễn đàn cơ chế định kỳ phổ quát Liên Hợp Quốc về quyền con người, giải quyết các yếu tố bên ngoài lợi dụng tôn giáo, thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý tôn giáo các nước ASEAN, chủ động và kiên trì giải quyết các vấn đề tôn giáo có tính chất quốc tế.

Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Sau một năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống tôn giáo ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp quan tâm, hướng dẫn các tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, chủ động nắm tình hình, hướng dẫn các tôn giáo hoạt động theo đúng đường hướng, phương châm hành đạo. Do đó, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo cả nước hoạt động cơ bản ổn định. Các tổ chức tôn giáo hoạt động tuân thủ pháp luật, các lễ hội tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn người có công được giữ gìn và phát huy; các đại hội nhiệm kỳ, các hội nghị, lễ hội lớn của các tôn giáo thực hiện đúng quy định; giá trị đạo đức, nhân văn, bác ái của tôn giáo được phát huy, lan toả trong đời sống xã hội; đa số các chức sắc tôn giáo và các tín đồ yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Lê Sơn