In bài viết

Gặp lại nguyên Đoàn trưởng đội đặc công rừng Sác năm xưa.Bài 2: Người chỉ huy gan dạ

Tháng 10 – 1967, để chuẩn bị kế hoạch cho thời cơ lớn và đáp ứng theo yêu cầu của tình hình hình mới, Đoàn 10 Đặc công rừng Sác cũng có nhiều thay đổi. Ban chỉ huy lúc này gồm Đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Việt Hoa còn đồng chí Lê Bá Ước giữ chức Phó Chính ủy. Sau xuân Mậu Thân năm 1968, nhân sự Đoàn 10 tiếp tục có sự thay đổi, đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn được điều lên giữ chức Đoàn trưởng, đồng chí Lê Bá Ước được cử làm Chính ủy. Đến cuối năm 1969, do đồng chí Tám Sơn bị bệnh, đồng chí Lê Bá Ước (Bảy Ước) được cử làm Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Lúc này, một bộ phận được cử về xây dựng đơn vị mới, một số về xây dựng chính quyền cách mạng ở Cần Giờ, thế bố trí đội hình của Đoàn 10 được mở rộng để chuẩn bị cho chiến dịch lớn, Đại tá Bảy Ước nhớ lại.

21/04/2011 12:12
Đại tá Lê Bá Ước bên kỉ vật rừng Sác. Nói về những trận đánh lớn của đặc công Đoàn 10 mà Đại tá đã từng tham gia, ông xúc động kể lại, phát huy những chiến thắng Đoàn 10 đã đạt được, bước vào chiến dịch lịch sử tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968, Đoàn 10 được giao trọng trách khóa chặt sông Lòng Tàu, đánh phá bến cảng, kho tàng của địch đồng thời tiêu diệt đồn bốt, ấp chiến lược, giải phóng đất, giải phóng dân. Một đơn vị của đoàn 10 do đồng chí Tám Sơn và Bảy Ước chỉ huy đánh đồn Phú Hữu (Nhơn Trạch, Biên Hòa); một đơn vị khác do đồng chí Sáu Tao và Tám Lập chỉ huy đánh vào đồn xã Lý Nhơn (Cần Giờ). Bộ phận còn lại tấn công vào 6 ấp chiến lược khác. Với sức tiến công dũng mãnh, Đoàn 10 đã nhanh chóng làm chủ các ấp chiến lược, tiêu hao sinh lực địch, cơ sở cách mạng được khôi phục và phát triển. Lợi dụng địch hoảng loạn, đặc công Đoàn 10 đột nhập đánh chìm tàu vận tải lớn hàng chục ngàn tấn của địch và thọc sâu pháo kích vào khu kho Thành Tuy Hạ, Cát Lái, Nhà Bè của địch. Bằng những chiến công xuất sắc, đặc công Đoàn 10 đã ngăn chặn quân địch trên đường thủy huyết mạch chi viện cho mặt trận Sài Gòn. Chiến khu rừng Sác năm xưa (hình tư liệu). Tiêu biểu như trận đánh chìm 3 tàu chở hàng quân sự Efflo, Touris, Anava US của Mỹ tại cảng Cát Lái vào đêm ngày 17 – 3 - 1968 chỉ bằng một khẩu ĐKZ 75 của Đội 3 do đồng chí Bảy Ước chỉ huy. Được đồng chí Ngọc xã đội trưởng Phú Hữu dẫn đường, Đội 3 đã đi qua ấp chiến lược Giồng Ông Đông, Cầu Kè, Đồng Phèn đến Cát Lái áp sát 3 chiếc tàu hàng quân sự đang neo đậu tại cảng. Cả 3 chiếc đều bị trúng đạn và bốc cháy khiến nửa tháng sau, cảng vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Pháo của đặc công Đoàn 10 tiếp tục gây tổn thất nặng nề cho địch khiến chúng rất hoang mang đồng thời cũng nêu cao cảnh giác. Tháng 4 – 1968 địch phát hiện sở chỉ huy của Đội 2 – Đoàn 10 nên chúng định dùng một đại đội tiêu diệt đối phương. Ba chiếc LCM xuất hiện lúc chập tối với ý đồ bất ngờ đánh úp khi nước lớn. Tại sở chỉ huy, đồng chí Lê Bá Ước lúc này là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị đã quyết định hành động trước. Nhưng tình hình hết sức ngặt nghèo bởi không có súng đạn, nếu bắn không trúng mục tiêu là phải “chôn súng”. Vì vậy đồng chí Ước phải cùng chiến sĩ đến tận đơn vị quan sát, chỉ thị chiến đấu. Khi khẩu B41 áp sát, nhắm chính xác đã bắn trúng làm tàu địch cháy tại chỗ, gần một đại đội Mỹ chìm xuống sông trước khi chúng kịp hành động. Sau Mậu Thân, địch tập trung phòng thủ xung quanh sài Gòn với nhiều tầng nhiều tuyến. Đặc biệt bằng tất cả mọi thủ đoạn đánh phá vô cùng ác liệt nhằm tìm cách xóa bỏ đặc khu Việt cộng rừng Sác, làm thay đổi trạng thái chiến trường Sài Gòn – Gia Định. Trong 6 tháng cuối năm 1968, địch mở 27 trận càn đánh vào rừng Sác trong đó sử dụng chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” là chủ yếu. Trước sự phản kích điên cuồng của Mỹ - Ngụy, hoạt động của Đoàn 10 gặp muôn vàn khó khăn: căn cứ bị địch càn quét liên tục, quân số, vũ khí bị tiêu hao, thường xuyên phải di chuyển trên địa hình sình lầy, ngập mặn… Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, các trận đánh của Đoàn 10 liên tiếp đã ngăn chặn hoàn toàn các trận càn quét như trận càn hơn một tháng vào sông Ông Kèo, đốt cháy kho xăng Nhà Bè… Được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới thăm và tặng quà trong dịp xuân Tân Mão. Đặc biệt, giữa lúc bị địch bao vay gắt gao nhất, tháng 8 năm 1968, Đoàn 10 rừng Sác nhận lệnh đánh vào dinh Độc Lập và Đại sứ quán Mỹ. Hơn 2,5 tấn đạn vượt qua các tuyến ngăn chặn của địch trên đường 15, chuyển từ ngoài vào chiến trường. Phó chính ủy Lê Bá Ước, trực tiếp chỉ huy trận đánh ngồi trên xuồng trinh sát, vạch đường luồn qua các chốt chặn của hải quân Mỹ tiến sát mục tiêu. Sau nhiều ngày vật lộn với dòng nước, hỏa tiễn ĐKB cũng đến kịp trận địa nhưng trễ giờ G (qui định đúng 12 giờ đêm, pháo phải nổ) do khó khăn trên đường vận chuyển, nước rút sình lầy. Tình thế vô cùng căng thẳng, có đồng chí bàn ém quân lại mai đánh nhưng đồng chí Bảy Ước kiên quyết: “đêm nay bằng mọi giá phải nổ súng. Tân Sơn Nhất và Long Bình cần được đoàn 10 chia lửa. Đúng 5 giờ sáng nổ súng sau đó ém lại đến tối sẽ rút quân”. Nhờ sự nhanh nhạy và đưa ra quyết định kịp thời, đồng chí Bảy Ước đã thực hiện đúng hiệp đồng chiến đấu ban đầu, không làm vỡ kế hoạch góp phần giảm những tổn thất về người và vũ khí. “Bởi nếu dừng lại không đánh, địch phát hiện ra tấn công thì tổn thất không thể kể hết, khi ấy mình sẽ có tội với Tổ quốc, với đồng đội”, Đại tá Bảy Ước chia sẻ. Cũng nhờ vậy nên mặc dù trận địa pháo bị lộ nhưng một bộ phận pháo của ta cũng đã kịp rút đi, bộ phận còn lại ém vào dân chờ trời tối mới rút. Trong trận này, chỉ hai ngày, đặc công rừng Sác đã đánh một trận hiệp đồng lịch sử, giáng một đòn nảy lửa vào dinh Độc Lập, tiêu diệt hàng trăm chiếc tàu trọng tải lớn của địch. Kết thúc chiến dịch Mậu Thân, Đoàn 10 được phong tặng nhiều danh hiệu cao quí “Thành đồng quyết thắng”. Lê Nguyễn