In bài viết

Gặp người nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C huyền thoại

Chị Thu (thứ 3 bên trái) trong một lần khánh thành nhà tình nghĩa cho đồng đội

29/04/2011 15:50
Giữa đêm mưa trên Tuyến đường 1C huyền thoại năm 1974, vợ liệt sĩ, nữ thanh niên xung phong (TNXP) Hồ Thị Tuyết Thu đã "vượt cạn" ngay trong chiến trường khốc liệt. Chị đặt tên con là Nguyễn Trung Kiên, với khát vọng lớn lao luôn trung thành với Đảng, với nước, chung thủy sắt son với người chồng đã hy sinh, và mong muốn con trai sau này sẽ anh dũng, kiên cường như cha mẹ cùng các đồng đội…
Theo lời giới thiệu của một cán bộ công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Cần Thơ, tôi đã tìm gặp người nữ TNXP năm xưa khi chị và vợ chồng người con trai đang sửa lại ngôi nhà, một con đường nhỏ thuộc quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Câu chuyện giữa một người sinh ra sau chiến tranh và một người đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh thấm đẫm những giọt nước mắt, rạng ngời những nụ cười, rực cháy những bài học về cuộc sống không bao giờ cũ…
Hạnh phúc và biệt ly trên con đường huyền thoại…
Năm 1966, thời kỳ cao trào cách mạng kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, đánh phá gắt gao gây nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Vì vậy, tháng 9/1966, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Tuyến đường 1C, lực lượng ban đầu gồm 500 chiến sĩ TNXP với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ miền Đông Nam bộ (điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh) phục vụ chiến trường các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Năm 1967, người con gái quê hương đất mũi Cà Mau Hồ Thị Tuyết Thu mới tròn 14 tuổi, nhưng đã trốn gia đình, khai thêm tuổi để được lên đường nhập ngũ. "Hồi đó chị nhỏ thó à, xin mãi các bác, các chú mới tiếp nhận. Vui hết biết" - chị kể lại với vẻ mặt háo hức như buổi tòng quân ngày nào. Vào chiến trường, chị được học "cấp tốc" một lớp y tá sơ cứu thương, sau đó được tham gia chiến đấu tại Đại đội Nguyễn Việt Thái 3, Liên đội 1 TNXP, Tuyến đường 1C. Hàng ngày, ngoài mang theo một thùng thuốc men để trực tiếp cứu thương cho đồng đội khi bị thương, chị còn vác trên vai cả một thùng đạn nặng hơn 30 kg. Việc vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường hết sức gian khổ, phải đi luồn lách vào những cánh rừng tràm, hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh vì bom đạn kẻ thù, vì bệnh tật, vì đói… Nhưng, tất cả những khó khăn không làm cho người nữ TNXP nhỏ bé ấy và các đồng đội của mình nao núng tinh thần, ngày đêm vận chuyện hàng trăm tấn vũ khí, kịp thời phục vụ cách mạng.
Cũng trên Tuyến đường 1C những năm tháng đỏ lửa ấy, chị TNXP Hồ Thị Tuyết Thu đã gặp gỡ và có cảm tình với người đồng đội quê Vĩnh Long tên là Nguyễn Văn Long. Năm 1973, hai người quyết định kết duyên vợ chồng. "Đám cưới được tổ chức nhanh chóng dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, nhưng vui lắm, chỉ huy đã cử người về quê Vĩnh Long "móc" mẹ chồng chị lên đơn vị gọi là có sự chứng kiến của gia đình, tiệc cưới là những miếng lương khô, những chén trà nóng, những lời ca tiếng hát của đồng đội… Cưới hôm trước, hôm sau mẹ chồng được đưa trở lại quê nhà, hai vợ chồng lại cùng đồng đội hành quân, vận chuyển vũ khí" - chị Thu bùi ngùi nhớ.
Có vũ khí chi viện, chiến trường Tây Nam bộ liên tục giành được những thắng lợi, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền nhận ra sự nguy hiểm của Tuyến đường 1C, để bình định miền Tây Nam Bộ, chúng ra sức ném bom, càn quét đánh phá tuyến đường 1C, hòng cắt đứt huyết mạch vận chuyển vũ khí phục vụ cách mạng. Những địa danh Vĩnh Tế - Tám Ngàn - Cái Sắn - Bảy Núi, Ba Hòn, Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây... đã phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn.
Ngày 10/3/1974, trong một trận càn quét của địch, chiến sĩ Nguyễn Văn Long đã hy sinh, để lại người vợ hiền nơi chiến trường ác liệt đang mang thai 3 tháng… Gạt nước mắt đau thương, cùng đồng đội chôn cất chồng, chị Thu lại tiếp tục hành quân lên đường làm nhiệm vụ, chiến đấu…
Chị Thu chèo xuồng tới địa điểm tìm hài cốt đồng đội
Tự tay chị Thu bốc từng mảnh xương đồng đội
Sống vì hai tiếng "trung kiên"
Tháng 9/1974, trong khu rừng giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, vào một đêm mưa to gió lớn, văng vẳng tiếng bom đạn của kẻ thù, người nữ TNXP ấy đã "vượt cạn". Bé trai cất tiếng khóc chào đời giữa chiến trường ác liệt đã được chị Thu đặt tên là Nguyễn Trung Kiên, với bao điều tâm nguyện thủy chung son sắt với Đảng, với nước, với người chồng - người đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống vì nền độc lập - và mong muốn con trai sau này tiếp nối truyền thống gia đình, chiến đấu, cống hiến cho Tổ quốc. Trung Kiên đã lớn lên giữa khói lửa chiến tranh, trong sự đùm bọc của mẹ và những người lính TNXP.
Ngày 30/4/1975, cuộc tổng tiến công nổi dậy được kết thúc bằng thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Đội TNXP Tuyến đường 1C hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chị Thu được nhận nhiệm vụ mới tại Quân khu 9. Hai mẹ con sống trong khu tập thể đơn vị, chị ở vậy nuôi con khôn lớn nên người. Năm 1993, chị Thu nghỉ chế độ với quân hàm Đại úy, hai mẹ con quyết định xây một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất vừa được đơn vị cấp.
Cảm thông với cuộc sống đơn thân, tôi thắc mắc, tại sao chị không tìm một bờ vai đàn ông cho cuộc sống hai mẹ con đỡ hiu quạnh? Chị Thu kể, những ngày còn chiến đấu trên tuyến đường 1C, sau khi chồng hi sinh, nhiều đồng đội đã ngỏ ý muốn chia sẻ cùng chị những khó khăn trong cuộc sống, sau ngày giải phóng, nhiều người đàn ông cũng đã ngỏ lời hỏi cưới… nhưng chị đã khéo từ chối vì nghĩ đến Trung Kiên - kết quả của tình yêu son sắt của vợ chồng chị.
Giờ thì cậu bé Trung Kiên của nữ TNXP ngày ấy đã là Đại úy, đang công tác tại Cục Quân báo - Quân khu 9, tiếp bước truyền thống, theo ước nguyện cao cả của mẹ.
Hành trình tìm đồng đội thân yêu!
Năm 1997, khi trở lại chiến trường xưa tham dự lễ khánh thành Tượng đài TNXP Tuyến đường 1C, bao nhiêu cảm xúc, kỷ niệm một thời máu lửa lại ùa về trong ký ức của người cựu nữ TNXP. Những ngày lưu lại tại đây, chị Thu xót lòng khi biết tin, rất nhiều trong số 399 đồng đội đã hy sinh vẫn còn nằm lại trong lòng đất lạnh lẽo, chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ. Trở về nhà sau chuyến đi này, chị Thu nung nấu ý định đi tìm hài cốt các đồng đội của mình. Chị lục lại những trang nhật ký, những sự kiện ở chiến trường ghi vội trong những quyển sổ đã hoen ố vì thời gian và bằng tất cả trí nhớ của mình, cùng với các chị Lâm Thị Minh Tâm, Lê Thị Út Mãnh thành lập Tổ quy tập hài cốt đồng đội, lên đường quay lại chiến trường xưa.
Địa hình Tuyến đường 1C sau hơn 20 năm đã thay đổi rất nhiều, trước kia là những cánh đồng hoang cỏ mọc um tùm, những rừng tràm, giờ đây đã được cải tạo trồng lúa nên rất khó xác định được vị trí chôn cất các đồng đội năm xưa. Muốn vào được nơi các đồng đội nằm lại, các chị phải mượn ghe xuồng bơi vào, phải ngủ đêm tại giữa cánh đồng hoang vu. Và rất may ngay chuyến đi đầu tiên, các chị đã tìm được 4 hài cốt đồng đội quê Cần Thơ, đó là các liệt sỹ: chị Nguyễn Thị Bé, anh Võ Văn Cường, anh Võ Hồng Láng và anh Cuộc. Chị vẫn còn nhớ như in buổi tối ngày 8/8/1997, khi đưa 4 hài cốt đồng đội về Cần Thơ thì trời đã tối mù mịt, lúc đó chị đã quyết định đưa về nhà mình để hương khói vong linh. Đến sáng hôm sau, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang (cũ) và các ban, ngành địa phương đã tổ chức trang trọng lễ truy điệu các liệt sỹ. Trong nhiều năm sau đó, được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thanh niên các địa phương, Tổ quy tập hài cốt đồng đội của chị đã tìm được tổng cộng 81 hài cốt. Năm 2004, Ban Chỉ đạo Ban liên lạc Khu Đoàn Tây Nam Bộ, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo tìm hài cốt liệt sỹ và đã tìm được thêm khoảng 120 hài cốt liệt sĩ trên Tuyến đường 1C.
Không chỉ tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh, chị còn vận động xây nhà tình nghĩa cho các đồng đội gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Năm 2009, chị cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ xây dựng được 2 ngôi nhà tình nghĩa. Đầu 2010, kết hợp Ban Liên lạc Khu đoàn Tây Nam Bộ và Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ kêu gọi các nhà tài trợ xây được 48 căn nhà (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng) cho cựu TNXP và cựu chiến binh Trung đoàn 2 có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ…
Trong câu chuyện của chúng tôi, nhiều tiếng cười xen lẫn giọt nước mắt lăn dài trên gò má xạm đen của người nữ cựu TNXP Tuyến đường 1C huyền thoại. Tôi hiểu, người nữ TNXP trên tuyến đường 1C huyền thoại ấy vẫn đau đáu nỗi niềm đưa được tất cả đồng đội của mình về quê nhà. Dẫu rằng chiến tranh đã lùi xa.
Cần Thơ, những ngày tháng 4 năm 2011
Nguyễn Thanh