In bài viết

Gây ô nhiễm giữa khu dân cư

Sau nhiều năm “bung ra” không định hướng, khiến vô số cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm nặng nề về tiếng ồn, bụi, khói, nước thải… nằm giữa khu dân cư. Việc khắc phục các cơ sở này hiện rất khó khăn và tốn kém.

12/10/2011 15:46

Không xem kế cận

Ở số 369, đường Nguyễn Văn Cừ, P.An Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ), Trường mầm non Anh Đào bị một cây xăng áp sát vách. Nhiều cha mẹ học sinh lo lắng về sự an toàn của ngôi trường, đặc biệt mùi xăng dầu có thể gây hại cho sức khỏe các cháu. Hiệu trưởng Võ Ngọc Mai cho biết, Trường thành lập năm 2005, năm nay có 240 cháu, còn cây xăng mới chỉ được xây dựng từ đầu năm 2011.

Cây xăng có tên “Trạm cấp phát xăng dầu số 3” của Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, cất lên và giao cho một số người kinh doanh. Thiếu tướng Vũ Cao Quân - Chỉ huy trưởng giải thích, xây dựng có xin phép Sở Công Thương và được PCCC kiểm tra. Thượng tá Trần Đức Đình - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ lại không biết kế bên cây xăng có trường mầm non. Ông Đình trấn an, nếu có tường chống cháy ngăn cách thì cũng đảm bảo an toàn, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, ông Đình cho biết sẽ phải kiểm tra lại về công tác PCCC.

Ở huyện vùng sâu Mỹ Tú (Sóc Trăng), tại ấp Nội Ô, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa mới đây cũng mọc lên một điểm kinh doanh VLXD có tên là Năm Châu nằm ngay đầu chợ thị trấn. VLXD có cát, đá, xi măng, gạch ngói, tàu xe ra vào suốt ngày tung bụi mù mịt. Điểm kinh doanh này nằm cạnh một cửa hàng ăn uống giải khát hoạt động đã nhiều năm. Chủ cửa hàng ăn uống giải khát là bà Lê Thúy Hằng than thở: “Cấp phép kinh doanh như thế, có lợi cho một người mà hại nhiều người”. Điểm kinh doanh VLXD Năm Châu còn lấn đất công ở chân cầu Huỳnh Hữu Nghĩa, tàu thuyền lên xuống hàng thường xuyên, đe dọa trực tiếp sự an toàn của cây cầu. Bà Hằng và nhiều người dân trong khu phố đã làm đơn lên UBND thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa và UBND huyện Mỹ Tú đề nghị xem lại việc cấp phép cho cơ sở VLXD Năm Châu nhưng đến nay vẫn rơi vào im lặng. UBND huyện Mỹ Tú cho PV Xây dựng biết, thẩm quyền giải quyết thuộc UBND thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa. Tuy nhiên, khi hỏi UBND thị trấn thì lại “bị đá” lên UBND huyện. Nhiều người dân đặt câu hỏi: “Phải chăng ông Năm Châu là Giám đốc quỹ tín dụng nên được ưu ái?”.

Gần trăm cơ sở cần di dời

Tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) theo kiểm tra bước đầu đã thấy có 81 cơ sở kinh doanh nằm giữa các khu dân cư, cần di dời. Đây là các cơ sở kinh doanh VLXD, mua phế liệu, mua thủy sản, cơ khí, đồ gỗ.

Một cụm dân cư ở P.7 (TP Sóc Trăng) bị hành hạ vì một cơ sở tái chế phế liệu, phả mùi hôi khét ngột ngạt và nước thải đen đặc. Từ ngày có cơ sở tái chế, nhiều trẻ em bị bệnh viêm mũi, nhức đầu, la khóc tối ngày. Còn cụm dân cư bên đường Trương Công Định lại khổ sở vì một xưởng làm cửa sắt, từ sáng sớm đến đêm khuya vang tiếng búa đập, tiếng cưa sắt nhói tai. Nguồn điện khi máy hàn hoạt động thì chập chờn, nhiều thiết bị điện của bà con trong cụm dân cư đã bị hư hỏng.

Cụm dân cư bên đường Nguyễn Văn Hữu và Phan Chu Trinh ở P.1 mọc lên kho chứa sắt của một DN tư nhân. Tiếng ồn và bụi sắt suốt ngày, đường đi còn bị xe tải hạng nặng chở sắt vào ra lấn chiếm. Lãnh đạo Công an P.1 cho biết, dân kêu nhiều nhưng chủ DN luôn né tránh, không hợp tác giải quyết. Đại úy Lê Văn Thảo than thở, nhiều lần xe tải đậu bít đường nhưng không tìm được lái xe.

Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng Võ Thanh Nhàn cho biết, tình trạng đã rất gay gắt nên địa phương quyết định dành gần 11ha trong KCN An Nghiệp cho các cơ sở kinh doanh di dời. Dự kiến năm 2011 và 2012 di dời 25 cơ sở, đến năm 2014 di dời xong.

Sáu Nghệ - Tuấn Anh