Theo đó, Phó Thủ tướng cho phép ghép Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình vào Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thành Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường QL 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình để triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT và giao Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Nhà đầu tư Geleximco bàn giao toàn bộ các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Bộ Giao thông vận tải; đồng thời, hoàn chỉnh thủ tục kết thúc dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình theo quy định.
Về việc xây dựng trạm thu phí để thu phí hoàn vốn Dự án BOT nêu trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tài chính về mức phí, lộ trình tăng phí theo quy định, làm cơ sở để tính toán phương án tài chính của Dự án; thống nhất với UBND tỉnh Hòa Bình và UBND thành phố Hà Nội về vị trí đặt trạm thu phí.
Bộ Giao thông vận tải quyết định, chịu trách nhiệm lựa chọn và thẩm tra năng lực Nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định hiện hành.
Được biết, Dự án đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách, kết nối giao thông giữa Hà Nội - Hòa Bình và các tỉnh vùng Tây Bắc. Dự án đường này có điểm đầu tại km 0 tại nút giao thông Hòa Lạc (giữa QL 21 và đại lộ Thăng Long), cuối nhập vào QL 6 tại km 65 100, chiều dài 30 km.
Còn tuyến QL 6 (đoạn Xuân Mai- Hòa Bình) đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu về an toàn giao thông. Do vậy, tuyến đường này sẽ được nâng cấp, cải tạo 33 km đường cũ, đoạn ngoài khu dân cư quy mô mặt đường 8 m, nền đường 9 m, đoạn qua khu dân cư mặt đường 11m, nền đường 12m, có hệ thống thoát nước dọc. Riêng đoạn km 65 100 - km 67 100 (từ điểm nập của tuyến mới đến điểm tách đi cầu Hòa Bình) nghiên cứu mở rộng thành 4 làn xe.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn chi phí đầu tư, tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường QL 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình khoảng 3.129 tỷ đồng, tính cả lãi và trượt giá.
Phan Hiển