Ghi nhận tổng cộng 525 ca mắc COVID-19
Tính từ 16h ngày 16/11 đến 16h ngày 17/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Đại học Y dược Thái Bình thực hiện xét nghiệm sàng lọc SASR-CoV-2 được 2.548 mẫu, trong đó gần 1.400 mẫu test nhanh, 1.150 mẫu xét nghiệm PCR, ghi nhận thêm 60 ca mắc COVID-19 mới.
Trong đó, 58 ca mắc là trường hợp F1, đã quản lý, cách ly theo quy định tại các khu vực cách ly tập trung ở các địa phương; 02 trường hợp tại các ổ dịch đã được kiểm soát.
Như vậy, hơn 1 tuần qua, Thái Bình đã ghi nhận 525 ca mắc COVID-19. Các bệnh viện đang tập trung nhân lực, tận tình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Hiện tại Bệnh viện Phổi Thái Bình đang cách ly, điều trị 202 ca, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh Thái Bình 203 ca, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình 40 ca, Bệnh viện Nhi Thái Bình cách ly, điều trị 32 trẻ mắc và Bệnh viện Dã chiến đặt tại Đại học Thái Bình đã tiếp nhận 30 ca mắc COVID-19 vào điều trị.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân huyện Vũ Thư và TP Thái Bình
Từ ngày 17 – 21/11, huyện Vũ Thư và thành phố Thái Bình triển khai tiêm hơn 77.000 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm 16.284 liều mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 và 60.744 liều mũi 1 cho người từ 12 – 17 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai trên 13 tuần, người từ 18 – 19 tuổi.
Sau khi tiêm phát động cho các trường hợp từ 12 -17 tuổi tại Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh và THCS Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) vào ngày 17/11 sẽ tổ chức tiêm đồng loạt tại Trung tâm Y tế và bệnh viện đa khoa, trạm y tế xã, các điểm trường và các cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình.
Trên phạm vi toàn tỉnh, tính đến chiều 17/11, Thái Bình đã triển khai được 21 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19, với tổng số có 1.215.172 mũi tiêm được thực hiện, trong đó có 168.235 người được tiêm đủ 2 mũi, đạt tỷ lệ hơn 12,94% trên tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh. Đã có hơn 1.046.937 người được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine chiếm tỷ lệ 80,5% số người từ 18 tuổi trở lên. Đợt 21 tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được Thái Bình triển khai từ ngày 15/11, với 52.542 liều vaccine Pfizer hoàn thành tại 6 huyện.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Do đó, mỗi địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Người dân cần chủ động đăng ký và tiêm vaccine khi đến lượt.
Tình hình dịch bệnh tại Thái Bình bước đầu được kiểm soát, hạn chế sự lây lan ra diện rộng. |
Bước đầu kiểm soát, hạn chế lây lan ra diện rộng
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh tỉnh Thái Bình, đặc biệt là tại huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình đã khẩn trương, tập trung chỉ đạo các biện pháp cấp bách để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình, tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, hạn chế sự lây lan ra diện rộng.
Để nhanh chóng kiểm soát, khống chế, dập tắt các ổ dịch, ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các việc sau:
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, bằng nhiều hình thức, nhất là tuyên truyền lưu động và bằng nhiều lực lượng của các hội, đoàn thể, Tổ COVID-19 cộng đồng… tuyên truyền đến từng hộ gia đình để người dân nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là phải hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc khi không thực sự cần thiết; chỉ di chuyển, đi lại phục vụ các hoạt động cần thiết tại các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, các hoạt động thực sự thiết yếu cần thiết khác và khi đi lại, tiếp xúc phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Riêng đối với công nhân, người lao động đi làm tại các doanh nghiệp, quá trình di chuyển, đi lại thực hiện đúng phương châm “một cung đường hai điểm đến”, thực hiện xét nghiệm và các yêu cầu về phòng, chống dịch của doanh nghiệp.
Giám sát chặt chẽ các ổ dịch
Tiếp tục xác định phạm vi, khoanh vùng ổ dịch để thực hiện cách ly, phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; chủ động vật tư, phương tiện, nhân lực để lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực cách ly, phong tỏa, xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp có nguy cơ.
Tiếp tục phát huy vai trò của các lực lượng y tế, công an, các hội, đoàn thể, Tổ COVID-19 cộng đồng để quản lý, giám sát chặt chẽ các khu vực có ổ dịch thực hiện cách ly, phong tỏa theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp (bao gồm các các trường hợp có liên quan đến ca bệnh F0 và các thành viên trong gia đình) nhất là các trường hợp F1, F2 đang thực hiện cách ly y tế tại nhà, kịp thời xử lý khi có các tình huống dịch bệnh phát sinh.
Tuyên truyền, khuyến khích người dân tự nguyện xét nghiệm để chủ động phòng, chống dịch; yêu cầu người dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở… liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn, xét nghiệm và kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý rà soát, lập danh sách, quản lý chặt chẽ công nhân, người lao động để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi có tình huống dịch bệnh phát sinh.
Khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xác định phạm vi, khoanh vùng các ổ dịch, xác định các trường hợp nguy cơ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, sinh phẩm để thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh nhất, có kết quả sớm nhất để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt y tế tư nhân, quầy thuốc… thực hiện nghiêm việc xét nghiệm và lập danh sách các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ đến khám, mua thuốc và thông báo kịp thời đến chính quyền, cơ quan y tế địa phương để quản lý, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các cơ sở y tế, quầy thuốc… vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tập trung nhân lực, trách nhiệm, tận tình điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của Bộ Y tế, chú ý đối với bệnh nhân có bệnh lý nền; tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật với các bệnh viện tuyến Trung ương trong công tác điều trị bảo đảm an toàn cho bệnh nhân./.