In bài viết

Ghi nhận hơn 100 trận động đất trong 6 tháng đầu năm

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận hơn 100 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 4.7 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trong số này có 8 trận động đất có độ lớn ≥ 3.5 richter đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

16/06/2023 19:18
Ghi nhận hơn 100 trận động đất trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thông tin về công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) thông tin như trên tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 do Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tổ chức vào ngày 16/6.

Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, với việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc đã góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Thông thường những động đất kích thích sẽ có hiện tượng tiếng nổ to, khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã kịp thời thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nắm rõ. Trước hiện tượng động đất ở Kon Tum liên tiếp diễn ra, Bộ KHCN và Viện Hàn lâm KHCN cũng cử đoàn công tác vào Kon Tum và xây dựng đề cương nghiên cứu về động đất ở đây, đặc biệt là triển khai 8 trạm quan trắc ở địa phương, mỗi trạm cách nhau khoảng 20 km.

"Ngoài các trạm quốc gia theo dõi các trận lớn, ở địa phương muốn quan trắc được các trận nhỏ hơn phải triển khai thêm các trạm địa phương. Cuối năm 2022, 8 trạm ở Kon Tum đã đi vào hoạt động, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai", TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết.

Hiện nay, đề tài "Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra" đang trong quá trình xét duyệt. Tuy nhiên việc quan trắc đã được thực hiện từ năm ngoái. Qua đánh giá từ các số liệu cho thấy, những trận động đất là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, cơ bản liên quan đến việc tích nước, theo chu kỳ nhất định. Có những đợt liên tiếp xảy ra trong vòng mấy ngày, sau đó dừng lại.

Theo dự báo, hoạt động động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong vòng 6 tháng tới, có độ lớn dưới 5,5 độ richter. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và quan trắc đồng thời thực hiện ngay đề tài nghiên cứu khoa học để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.

Ghi nhận hơn 100 trận động đất trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tiễn sản xuất

Cũng tại họp báo, PGS. TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện Hàn lâm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Vận hành ổn định hoạt động của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần; vệ tinh VNREDSat-1; hoạt động của Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ; vận hành hệ thống đài, trạm quan trắc trên cả nước... nhằm phục vụ công tác nghiên cứu cũng như cung cấp thông tin cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý; bảo đảm hoạt động của 2 trung tâm quốc tế dạng II về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO; tiếp tục triển khai nhiệm vụ "Đề án xây dựng Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trực thuộc Viện Hàn lâm"…

Cùng với đó, công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Viện Hàn lâm tập trung vào tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện công tác quản lý các nhiệm vụ KHCN định kỳ; tập trung triển khai nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xanh và ứng phó biến đổi khí hậu....

Viện Hàn lâm cũng chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, qua đó ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, cụ thể tổ chức: Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 về "Quang lượng tử, Vật lý nano và Khoa học giáo dục"; Khóa họp song phương lần thứ hai giữa Viện Hàn lâm và Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào; Phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tập đoàn Airbus tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phóng thành công vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1; Hội thảo Báo cáo sơ bộ kết quả chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ 8 bằng tàu "Viện sĩ Oparin" trong vùng biển Việt Nam…

Căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình, kế hoạch công tác của Viện Hàn lâm, trong 6 tháng cuối năm 2023, Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai thực hiện tốt các dự án, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ KHCN trọng điểm cấp Viện Hàn lâm nhằm ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tiễn sản xuất trong các lĩnh vực đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Công nghệ sinh học, công nghệ ADN giám định hài cốt liệt sĩ; công nghệ hỗ trợ cảnh báo sớm động đất, sóng thần...

Bên cạnh đó, thúc đẩy công bố các công trình nghiên cứu, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các công bố đạt chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ KHCN; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống; xây dựng và triển khai chương trình thu hút nhà khoa học và cán bộ trẻ trình độ cao. Đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu cơ bản, đổi mới hoạt động các trung tâm xuất sắc của Viện Hàn lâm.

Đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Viện Hàn lâm như: Nghiên cứu khoa học biển, công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, hóa hợp chất thiên nhiên... với khu vực ASEAN và các quốc gia có nền KHCN phát triển...

Hoàng Giang