In bài viết

Ghi nhận kiến nghị DN về điều chỉnh thuế xuất khẩu dăm gỗ

(Chinhphu.vn) – Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của Công ty TNHH C&P Quảng Ninh về việc sửa đổi thuế xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP để tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.

19/06/2019 11:02

Theo phản ánh của Công ty TNHH C&P Quảng Ninh, tại Điểm 2.5 Mục V của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu từ 2% lên 5% với mặt hàng dăm gỗ,

Theo Bộ Tài chính, lý do tăng thuế suất là để có giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu gỗ, hạn chế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ do người dân thu hoạch non gỗ rừng để làm dăm gỗ, đồng thời không ảnh hưởng quá nhiều đến đối tượng cung cấp là các hộ trồng rừng, hạn chế tình trạng người trồng rừng bị ép giá.

Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, Công ty TNHH C&P Quảng Ninh đưa ra sự đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ để có biện pháp và lộ trình như sau:

- Việc vận hành của nền kinh tế thị trường đang có tác động tích cực đến ngành trồng rừng và chế biến lâm sản, chế biến dăm gỗ. Các chủ hộ trồng rừng đã quan tâm đầu tư, chăm sóc để đạt sản lượng thu hoạch và lợi nhuận cao, được chủ động quyết định kinh doanh phù hợp. Tận dụng triệt để đất đai còn hoang hóa và tích cực trồng mới sau khai thác. Diện tích và sản lượng trồng liên tục tăng trong những năm qua là hiệu quả của chính sách đúng đắn của Nhà nước và sự vận hành của kinh tế thị trường.

- Chu kỳ đầu tư kinh doanh trồng rừng trải qua thời gian quản lý, chăm sóc nhiều năm sẽ có nhiều rủi ro. Các diện tích trồng rừng hầu hết tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, có địa hình núi cao, vận chuyển khó khăn và tốn kém nhiều chi phí khai thác. Chính vì vậy người trồng rừng cần Nhà nước có chính sách ổn định để an tâm đầu tư.

- Thuế xuất khẩu dăm gỗ đang có và sẽ tăng theo đề nghị thực chất không ảnh hưởng nhiều đến nhà sản xuất mà sẽ làm giảm thu nhập của người trồng rừng. Điều này đi ngược với chủ trương, chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện và khuyến khích nông dân thu được lợi nhuận cao trên diện tích cây trồng.

- Tác động của việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ chắc sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trồng rừng, ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu về độ che phủ rừng từ 41,6% lên 45% theo Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH C&P Quảng Ninh đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan xem xét đến những ảnh hưởng, tác động của chính sách ban hành, đặc biệt quan tâm đến đời sống thu nhập của hàng triệu hộ nông dân đang tham gia trồng rừng, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản xuất và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho đất nước.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Ngày 14/3/2019, Bộ Tài chính có Công văn số 2866/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố, VCCI, các hiệp hội, ngành hàng về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, trong đó tại Điểm 2.5, Mục V dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% lên 5%.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình tổng hợp các ý kiến tham gia về nội dung dự thảo Nghị định, trong đó có các ý kiến về việc sửa đổi thuế xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ. Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của Công ty TNHH C&P Quảng Ninh để tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chinhphu.vn