In bài viết

Giá bồi thường đất cần bảo đảm quyền lợi của dân

(Chinhphu.vn) - Ngày 9/1, tại TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).

10/01/2014 14:07
Sẽ kiểm tra năng lực tài chính các nhà đầu tư trước khi cấp phép. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Tại hội thảo, đa số các ý kiến của các đại biểu, tập trung thảo luận về các vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng đất; giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Nên khuyến khích thỏa thuận bồi thường

Theo Dự thảo Nghị định, có 3 hình thức thu hồi đất. Một là, Nhà nước thu hồi đất, bồi thường và giao cho chủ đầu tư; hai là Nhà nước giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thu hồi, tạo quỹ đất sạch, đấu giá để chuyển giao cho nhà đầu tư; ba là để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân.

Hiện vẫn có quan điểm cho rằng, nếu để chủ đầu tư tự thỏa thuận thì sẽ có nhiều loại giá bồi thường, chỗ cao chỗ thấp sẽ dễ phát sinh khiếu kiện. Đại diện Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho rằng thực tế cho thấy việc Nhà nước đứng ra bồi thường dễ xảy ra khiếu kiện nhiều hơn vì giá bồi thường của Nhà nước thường thấp hơn giá doanh nghiệp thỏa thuận. Còn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện bồi thường để tạo quỹ đất sạch thì thực tế gần như không làm được.

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang, yếu tố đột phá trong Luật Đất đai (sửa đổi) xoay quanh chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, một điều bất hợp lý hiện nay là mức hỗ trợ thêm lại cao hơn mức bồi thường chính. Vì thế, giá bồi thường cần được nâng lên vì giá đất nông nghiệp bồi thường quá rẻ, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng nên dễ dẫn đến tình trạng thu hồi rồi để đó gây lãng phí. “Mặc dù việc nâng giá bồi thường có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nhưng quyền lợi của người dân phải được bảo đảm”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Một phần bất cập này là do hiện nay khung giá đất chỉ mới bằng 20-30% giá đất thực tế trên thị trường. Vì vậy, các hướng dẫn sắp tới cần tập trung giải quyết các bất cập này theo hướng khung giá đất ít nhất cũng bằng 50% giá thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Kiểm tra năng lực tài chính nhà đầu tư

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về việc kiểm tra năng lực tài chính nhà đầu tư.

Về quy định điều kiện đối với chủ đầu tư xin giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo nghị định quy định chủ đầu tư phải đảm bảo 3 điều kiện, đó là ký quỹ, đủ năng lực tài chính và không vi phạm pháp luật về đất đai.

Dự thảo nêu cụ thể một số dự án phải kiểm tra năng lực tài chính như sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, kinh doanh nhà ở thương mại, bất động sản… Trong khi đó, một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO, xã hội hóa, các dự án đầu tư sử dụng đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không phải kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho rằng đây là điểm mới của Dự thảo Nghị định và bày tỏ đồng tình với quy định các dự án sử dụng ngân sách của Nhà nước thì không phải kiểm tra năng lực tài chính.

Mặt khác, tất cả các dự án đã sử dụng vào mục đích kinh doanh thì đều phải kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư, kể cả các dự án xã hội hóa. Nếu không, khi đã đưa vào áp dụng sẽ phát sinh nhiều khó khăn khi giao đất, cho thuê đất.

Theo luật sư Nguyễn Thị Cam, Dự thảo Nghị định cần quy định rõ về hình thức ký quỹ vì hiện nay vấn đề này chưa được đề cập trong Luật Đầu tư, trong khi Dự thảo còn nêu chung chung.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ghi nhận ý kiến đóng góp của các địa phương và cho biết sẽ xem xét  để sửa đổi nhằm hoàn thiện Dự thảo.

Thanh Thủy