Trong đó, nhóm năng lượng ghi nhận tuần tăng giá đáng chú ý khi toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt khởi sắc, dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường. Ca cao cũng là điểm sáng của nhóm nguyên liệu công nghiệp với mức tăng vọt gần 15%, chạm đỉnh 8 tháng và nối dài chuỗi tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp. Đóng cửa tuần, lực mua chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 1,63% lên 2.223 điểm.
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, năng lượng trở thành tâm điểm của thị trường hàng hóa thế giới khi toàn bộ 5 mặt hàng giá tăng rất mạnh, gần như xóa hết mức giảm tích lũy của hai tuần trước đó. Lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang là động lực chính thúc đẩy đà tăng của giá dầu, bất chấp các dự báo tiêu cực về thị trường dầu thô thế giới năm 2025 từ các tổ chức lớn.
Cụ thể, giá dầu thô WTI tăng 6% lên 71,3 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng gần 5%, đạt mức 74,5 USD/thùng.
Trong tuần qua, Ukraine đã sử dụng tên lửa phương Tây tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, đồng thời dùng máy bay không người lái tấn công các kho dầu của Nga. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nghiêm khắc hơn đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga nhằm cắt giảm nguồn thu cho các hoạt động chiến tranh. Những yếu tố này có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga trong ngắn hạn và tạo áp lực tăng giá mạnh.
Ngoài ra, tồn kho dầu tại Mỹ tiếp tục giảm cũng hỗ trợ đà tăng giá. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 6/12 đạt gần 422 triệu thùng, giảm 1,43 triệu thùng so với tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Mức giảm này cao hơn dự báo 900.000 thùng của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, triển vọng thị trường dầu thế giới dự kiến thặng dư trong năm 2025 đã hạn chế đà tăng của giá. Theo báo cáo tháng 12 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các quốc gia không thuộc OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2025, dẫn đầu là Mỹ, Canada, Guyana, Brazil và Argentina. Do đó, dù OPEC+ trì hoãn việc tăng sản lượng đến hết năm sau, thị trường dầu thế giới vẫn sẽ dư thừa 950.000 thùng/ngày, tương đương gần 1% nguồn cung. Nếu OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng vào tháng 4/2025, mức thặng dư có thể đạt 1,4 triệu thùng/ngày.
Theo MXV, sắc đỏ bao trùm thị trường nguyên liệu công nghiệp trong tuần giao dịch vừa qua, nhưng điểm sáng đáng chú ý đến từ đà tăng giá mạnh của mặt hàng ca cao.
Giá ca cao trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE-US) tăng gần 15%, chạm mức cao nhất trong gần 8 tháng và đánh dấu tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp. Nguyên nhân chính đẩy giá đi lên là những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ca cao tại Bờ Biển Ngà trong đầu năm 2025.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn tập trung vào diễn biến giá hai mặt hàng cà phê dù tuần qua có xu hướng giằng co. Giá cà phê Arabica giảm 3,26% so với tham chiếu mặc dù trong tuần đã có lúc chạm mức đỉnh lịch sử mới. Trong khi đó, giá cà phê Robusta tăng 1,33% sau tuần điều chỉnh giảm trước đó.