Đóng cửa ngày 12/6, chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm 1,37% xuống 2.132 điểm. Trong đó mức giảm mạnh nhất đến từ nhóm năng lượng, thể hiện qua chỉ số MXV-Index năng lượng giảm 3,38% xuống còn 3.076 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ, đạt 3.600 tỷ đồng.
Dầu thô là mặt hàng giảm mạnh nhất và đóng vai trò dẫn dắt xu hướng giảm của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 7/2023 trên Sở NYMEX đóng cửa ở mức 67,12 USD/thùng, giảm 4,35% so với cuối tuần trước. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 8/2023 trên Sở ICE giảm 3,9% xuống còn 71,84 USD/thùng, là mức thấp nhất từ ngày 20/12/2021.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ mới đây đã hạ 10% dự báo giá dầu do nhu cầu yếu tại Trung Quốc và nguồn cung tăng lên tại các khu vực khác. Cụ thể, Goldman Sachs dự báo giá dầu WTI sẽ đạt 81 USD/thùng vào tháng 12 năm nay, so với mức 89 USD/thùng trong dự báo trước. Giá dầu Brent dự báo giảm từ 95 USD/thùng xuống còn 86 USD/thùng trong cùng kỳ.
Goldman Sachs cũng dự báo nguồn cung dầu toàn thế giới sẽ được bổ sung thêm khoảng 800.000 thùng/ngày, chủ yếu đến từ các quốc gia như Nga, Iran và Venezuela.
“Nguồn cung từ Nga gần như đã phục hồi hoàn toàn bất chấp việc nhiều công ty đã ngừng mua dầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây”, báo cáo của Goldman Sachs viết.
Hãng tin Reuters cho biết, Pakistan đã đồng ý sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán cho đơn hàng đầu tiên nhập khẩu dầu thô chiết khấu giá rẻ từ Nga. Hàng đã được dỡ xuống cảng ở thành phố Karachi, miền Nam nước này. Đây là sự kiện thách thức sự thống trị của đồng dollar Mỹ trong hoạt động thanh toán thương mại dầu mỏ.
Sản lượng dầu của Mỹ từ các khu vực sản xuất đá phiến hàng đầu dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất được ghi nhận trong tháng 7, đạt mức 9,38 triệu thùng/ngày, theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 12/6.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trong ngắn hạn, mức sản lượng gia tăng tại Mỹ vẫn sẽ gây áp lực lên giá dầu, đặc biệt là dầu WTI, nhất là khi rủi ro suy thoái kinh tế còn tiềm ẩn”.
Tuy nhiên, về dài hạn, sự sụt giảm của các giếng khoan có thể sẽ dẫn tới mức sản lượng thấp hơn. Số lượng giếng DUC (các giếng đã khoan nhưng chưa khai thác) đã giảm 30 giếng trong tháng 5 so với tháng 4. Dữ liệu từ EIA cũng cho thấy sản lượng sẽ tăng khoảng 0,1% trong tháng 7 so với tháng trước và là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất kể từ khi sản lượng được ghi nhận giảm vào tháng 12 năm ngoái”.
Nguồn cung từ Nga cũng duy trì sự ổn định, chưa có dấu hiệu cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày như tuyên bố hồi tháng 3. Tỉ lệ lọc dầu sơ cấp đạt trung bình 5,29 triệu thùng/ngày trong tuần đầu tiên của tháng 6, cao hơn 94.000 thùng/ngày so với mức thông lượng dầu thô một tuần trước đó.
Về phía nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới Saudi Arabia, mặc dù tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7, nhưng Tập đoàn hàng đầu của đất nước, Saudi Aramco đã thông báo với ít nhất 5 khách hàng ở Bắc Á rằng họ sẽ nhận được đầy đủ khối lượng dầu thô được chỉ định trong tháng tới.
Trong khi đó, theo Reuters, một số nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã yêu cầu nguồn cung thấp hơn trong tháng 7, ước tính thấp hơn khoảng 10 triệu thùng so với mức yêu cầu tháng 6. “Nhu cầu giảm, trong khi nguồn cung vẫn bảo đảm sẽ làm gia tăng sức ép tới giá dầu trong ngắn hạn”, ông Quang Anh cho biết thêm.