Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 4/6, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2012 giảm 1,73 USD xuống 96,70 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York giao cùng kỳ hạn giảm 1,59 USD xuống 81,64 USD/thùng.
Chỉ tính trong tháng 5/2012, giá dầu Brent đã "bốc hơi" 15%, trong khi giá dầu ngọt nhẹ giảm gần 18%
Nhà chiến lược thị trường Justin Harper, thuộc hãng IG Markets, có trụ sở tại Singapore, nhận định, thị trường dầu mỏ đang hứng chịu cùng lúc 3 tác động là tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu cũng như một số nền kinh tế khác, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi, đồng thời hạ thấp dự đoán về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Cũng trong phiên giao dịch chiều 4/6, giá vàng giao ngay tại Singapore giảm 0,4% xuống 1.619,80 USD/ounce. Theo giới phân tích, giá vàng đi xuống trong phiên đầu tuần là do một số nhà đầu tư châu Á tỏ ra nghi ngờ về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tung ra chương trình nới lỏng định lượng. Còn nếu giá vàng giữ ở mức 1.600 USD/ounce trong vài ngày tới, đó là dấu hiệu chứng tỏ đà tăng giá của vàng trong phiên thứ 6 tuần trước chủ yếu là do hoạt động mua vào của giới giao dịch trên thị trường, chứ không phải là sự phục hồi trong ngắn hạn của kim loại quý này.
Trong tháng 5/2012, giá vàng đã giảm hơn 6%, trước sự mạnh lên của đồng USD, trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ tiền vào mua đồng tiền này và mua trái phiếu của Mỹ, Đức như một nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm Khu vực Eurozone ngày càng lún sâu vào khủng hoảng nợ.
Chứng khoán châu Á cũng trong tình cảnh tương tự giá dầu. giá vàng.
Chiều 4/6, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,5%, xuống các mức thấp trong năm nay và giảm 17% so với mức đỉnh của năm, khi các thị trường khu vực tiếp tục đà bán tháo của chứng khoán toàn cầu.
Chỉ số Topix của Tokyo mất tới 2,4%, xuống 692,18 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối năm 1983. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 144,62 điểm, hay 1,71%, xuống 8,295,63 điểm.
Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 211,43 điểm, hay 2,97%, xuống 6.894,66 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 51,38 điểm, hay 2,8%, xuống 1.783,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 64,89 điểm, hay 2,73%, xuống 2.308,55 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 372,75 điểm, hay 2,01%, xuống 18.185,59 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 78,9 điểm, hay 1,94%, xuống 3.985 điểm, mức thấp nhất trong 7 tháng.
Theo giới phân tích, các điều kiện thị trường hiện nay là bất lợi đối với các tài sản rủi ro. Tuy nhiên, sau khi cổ phiếu bị bán tháo, các thị trường được cho là sẽ tạm thời bắt đáy và phục hồi về mặt kỹ thuật.
Nguyễn Chiến