Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Yên (Gia Lai), Khoản 1, 2, Điều 6 và Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng quy định:
Khoản 1, Điều 6: "1. Khi bổ sung khối lượng công việc chưa có đơn giá trong hợp đồng thì các bên tham gia hợp đồng thống nhất đơn giá công việc này trước khi thực hiện. Việc xác định đơn giá theo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng và các thỏa thuận trong hợp đồng.
Khoản 2, Điều 2: "Giá hợp đồng sau điều chỉnh (bao gồm cả khối lượng công việc phát sinh hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng đã ký) không vượt giá gói thầu được phê duyệt (bao gồm cả chi phí dự phòng của gói thầu đó) thì chủ đầu tư được quyền quyết định điều chỉnh; trường hợp vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận trước khi điều chỉnh".
Tuy nhiên, ở địa phương của ông Yên, nhiều gói thầu từ năm 2018 đến năm 2020, có thời gian thực hiện hợp đồng dài (trên 18 tháng), giá gói thầu quy mô lớn; cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu tự ý hoặc yêu cầu chủ đầu tư trình giá gói thầu phải cắt bỏ phần dự phòng thì mới thẩm định và trình phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện các cơ quan tham mưu, chuyên môn cấp dưới coi giá gói thầu được duyệt của cấp thẩm quyền là giá gói thầu theo quy định của pháp luật xây dựng tại Việt Nam (Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng,…) mà không để ý đến phần giải thích sau dấu ngoặc đơn (bao gồm cả chi phí dự phòng của gói thầu đó).
Ông Yên hỏi, việc làm đó của cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và cấp thẩm quyền có đúng không, cơ quan nào xử lý việc này?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 2, Điều 35 Luật Đấu thầu quy định, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
Theo đó, trường hợp giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu không bao gồm chi phí dự phòng là không phù hợp với quy định nêu trên.
Chinhphu.vn