In bài viết

Gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên do dịch Covid-19

(Chinhphu.vn) – Theo quy định, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và theo đề nghị của Hội đồng quản trị. Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn Đại hội đồng cổ đông thường niên, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

25/05/2020 08:02

Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Duyên Hải phản ánh, do tình hình dịch bệnh Covid-19, và tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty đã phải hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (dự kiến tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến ngày 15/4/2020). Tuy nhiên khi kết thúc thời hạn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Công ty gặp khó khăn do bắt buộc phải thực hiện lại từ đầu các quy trình, thủ tục theo luật định để tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, trong đó có các quy định như:

- Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính (khoản 2 Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014).

- Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không sớm hơn 5 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn (khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2014).

- Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn (khoản 1 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2014).

- Công ty đại chúng phải công bố thông tin về việc lập danh sách cổ đông có quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông tối thiểu 20 ngày trước ngày đăng ký cuối cùng (khoản 1 Điều 8 Nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017)…

Bên cạnh đó, việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến theo quy định vẫn chưa được các doanh nghiệp áp dụng nhiều trên thực tế. Ngoài ra, nếu triển khai tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến thì doanh nghiệp lại phải làm lại các thủ tục liên quan như sửa đổi Điều lệ, Quy chế nội bộ,…và cũng phải thông qua Đại hội đồng cổ đông Công ty.

Với việc thực hiện lại các thủ tục, trình tự theo quy định để tổ chức Đại hội như trên, sẽ làm cho các doanh nghiệp phải chờ đợi trong khoảng thời gian rất dài trong khi bộ máy điều hành không thể quyết định các vấn đề liên quan đến xử lý khủng hoảng kinh tế, suy giảm kinh tế, mất vốn của các cổ đông và các biện pháp ứng phó liên quan đến suy giảm kinh tế của doanh nghiệp. Những vấn đề này chỉ được giải quyết tại Đại hội đồng cổ đông và nếu không tổ chức Đại hội nhanh chóng sẽ không có phương án xử lý và ứng phó kịp thời và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của doanh nghiệp cũng như công ăn việc làm của người lao động.

Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Duyên Hải đề nghị xem xét cho các doanh nghiệp bị hoãn Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời gian thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg được tiếp tục Đại hội ngay sau khi có thể, trong thời gian ngắn nhất mà không phải thực hiện lại các trình tự, thủ tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên theo các quy định hiện hành.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Luật Doanh nghiệp thì Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và theo đề nghị của Hội đồng quản trị, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn Đại hội đồng cổ đông thường niên, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Về thực hiện quyền dự họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, khoản 2 Điều 140 Luật Doanh nghiệp quy định:

“2. Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:

a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;

b) Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;

c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;

d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.”

Căn cứ quy định trên thì công ty và cổ đông có liên quan có quyền lựa chọn một phương thức hoặc kết hợp đồng thời các phương thức trên để tổ chức họp và tham dự biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Thực tế, một số công ty đã áp dụng quy định nêu trên và ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức thành công họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Chinhphu.vn