Mặc dù sắc đỏ không còn bao phủ hoàn toàn trên bảng giá hàng hoá như 2 phiên giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên lực bán vẫn lấn át khiến chỉ số MXV- Index riêng của cả 4 nhóm mặt hàng đồng loạt giảm.
Nhóm Kim loại có mức giảm mạnh nhất với sự suy yếu của bạc, bạch kim và kim loại cơ bản trên Sở LME. Cùng với đó, mức lao dốc gần 11% của giá khí tự nhiên cũng kéo chỉ số đo lường sự biến động của các mặt hàng trong nhóm năng lượng giảm gần 0,6%.
Giá dầu đóng cửa trong sắc xanh sau 2 ngày lao dốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01, giá dầu phục hồi trong sắc xanh sau khi lao dốc mạnh mẽ trong 2 phiên giao dịch đầu năm 2023, với những biến động tăng giảm liên tục trong phiên trước hàng loạt các thông tin cơ bản và báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,14% lên mức 73,67 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,09% lên 78,69 USD/thùng.
Đà tăng xuất hiện ngay từ phiên mở cửa, một phần do yếu tố kỹ thuật, phần khác do báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng cho thấy tồn kho nhiên liệu chưng cất trong tuần kết thúc ngày 30/12 giảm mạnh hơn so với dự báo. Tuy nhiên, lực mua thực sự được đẩy mạnh trong phiên chiều, trước thông tin biên giới giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sẽ dần mở cửa trở lại từ Chủ nhật, mở đường cho việc khôi phục các mối quan hệ kinh tế và xã hội đã bị gián đoạn trong 3 năm vừa qua do ảnh hưởng bởi Covid-19. Nỗ lực mở cửa thể hiện quyết tâm khôi phục kinh tế của Trung Quốc mang lại tín hiệu tích cực hơn cho nhu cầu tiêu thụ dầu trong dài hạn, đã hỗ trợ giá dầu bật tăng 1,5 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng đảo chiều giảm và đánh mất 2,5 USD ngay sau đó trước các thông tin phản ánh bức tranh tiêu thụ vẫn đang khá yếu. Saudi Arabia đã giảm giá dầu cho thị trường chính là châu Á và châu Âu, báo hiệu rằng nhu cầu vẫn chậm chạp khi các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, và Trung Quốc vẫn đang chưa có dấu hiệu chạm tới đỉnh dịch.
Giá cà phê Robusta quay đầu giảm mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01, sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cà phê Robusta quay đầu giảm sâu sau 2 phiên tăng mạnh trước đó.
Bất chấp việc nguồn cung cà phê đang đứng trước nguy cơ suy yếu do mưa ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch và sản xuất tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới và hiện là nguồn cung Robusta hàng đầu do các quốc gia sản xuất chính khác chưa bước vào giai đoạn thu hoạch, giá Robusta bất ngờ quay đầu giảm mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua.
Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp với mức giảm 0,46% khi tồn kho đạt chuẩn tiếp tục ở mức cao. Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US hôm qua tăng 7.388 bao loại 60 kg, đưa tổng lượng tồn kho hiện tại lên mức cao nhất trong hơn 05 tháng qua.
Giá dầu cọ tiếp tục suy yếu phiên thứ 2 liên tiếp và đóng cửa với mức giảm lên tới gần 2%. Hoạt động xuất khẩu của Malaysia những ngày đầu năm mới có dấu hiệu chững lại đã gây sức ép lớn lên giá.
Ở chiều ngược lại, giá bông bật tăng mạnh gần 3% nhờ những chuyển biến tích cực tại Trung Quốc. Thị trường tiếp tục kỳ vọng Trung Quốc sẽ vượt qua đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường và nhu cầu đối với bông sẽ được hồi phục nhanh chóng sau đó. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu dùng và nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, nhu cầu tại quốc gia này được cải thiện sẽ kích thích lực mua trên toàn thị trường, từ đó thúc đẩy giá bông khởi sắc.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam