In bài viết

Gia Lai: Quyết tâm không để dịch sốt xuất huyết lây lan

Vào thời điểm này năm trước, sốt xuất huyết đã bùng phát và phát triển thành dịch khó kiểm soát với hơn 3.500 ca nhập viện. Nhằm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng- chống sốt xuất huyết, ngành Y tế Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng- chống dịch tại các địa phương trong nhiều ngày qua.

17/06/2011 16:05

Theo Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, trong năm 2010 bệnh sốt xuất huyết gia tăng và bùng phát thành dịch ở nhiều vùng, cả nước ghi nhận 128.831 trường hợp mắc, 109 trường hợp tử vong; số mắc tăng 22% và số tử vong tăng 25,3% so với năm 2009. Qua phân tích, dịch sốt xuất huyết tăng cao và bùng phát thành dịch ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. So sánh năm 2010/2009, Tây Nguyên số ca mắc 13.255/1.476 tăng 8,9 lần, tử vong 5/1 tăng 4 trường hợp. Đa số các trường hợp tử vong xảy ra do sốt xuất huyết Dengue độ III, IV và tỷ lệ trẻ em chiếm 46,4%.

Để chủ động phòng- chống sốt xuất huyết, Sở Y tế đã có Công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức truyền thông sâu rộng và những việc làm cụ thể như tổ chức dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh… tại nơi làm việc.

Cơ sở y tế quá tải bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong năm 2010. Ảnh: N.G

Ông Phạm Quốc Bảo- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Rút kinh nghiệm từ năm trước, Trung tâm đã có văn bản hướng dẫn đến 10 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm tổ chức chiến dịch dọn vệ sinh đường làng, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy)… là những tác nhân chính gây dịch sốt xuất huyết.

Riêng về vật tư và các trang- thiết bị cần thiết, tỉnh đã cung cấp đầy đủ đến các địa phương, đặc biệt là 10 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm. Ngoài ra, Trung tâm còn tồn lưu khoảng 1.000 lít hóa chất có thể chủ động dập dịch phòng khi dịch lây lan trong thời gian tới.

Bên cạnh sự chủ động của ngành chức năng, thực tế đòi hỏi sự chung tay góp sức của cộng đồng và các tổ chức đoàn thể tại các địa phương.

Nguyễn Huy – Báo Gia Lai