Lễ hội Phù Đổng |
Trong những danh hương của Kinh Bắc là "tam Cổ, ngũ Phù", (Cổ Bi, Cổ Loa, Cổ Pháp và Phù Lưu, Phù Ninh, Phù Đổng, Phù Dực, Phù Chẩn) thì một nửa nằm trên đất Gia Lâm, gồm Phù Dực, Phù Đổng (nay thuộc xã Phù Đổng), Phù Ninh (tức Ninh Hiệp), Cổ Bi. Gia Lâm nằm cận kề hai trung tâm văn hóa lớn là Cổ Pháp (quê hương các vua Lý) và Luy Lâu (thủ phủ của Giao Châu khi nước ta Bắc thuộc, trung tâm Phật giáo lớn).
Linh địa thường xuất kiệt nhân. Trong bốn vị thánh bất tử theo quan niệm của dân tộc Việt Nam, hai vị sinh ra trên đất Gia Lâm, đó là Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử. Những nhân vật được biên trong chính sử Gia Lâm nổi bật nhất có thể kể đến Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, danh nhân Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Lượng... Làng Phú Thị, làng Bát Tràng đều là những làng khoa bảng với nhiều vị danh Nho. Đặc biệt, Gia Lâm còn có những làng nghề nổi tiếng: Làng gốm Bát Tràng với các sản phẩm gốm có từ lâu đời, làng Kiêu Kỵ với sản phẩm vàng quỳ, làng Ninh Hiệp có nghề thuốc Bắc. Bề dày lịch sử đó đã để lại cho Gia Lâm hệ thống các di tích văn hóa rất đậm đặc và phong phú. Mặc dù có 172 thôn làng nhưng Gia Lâm có tới 250 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 98 di tích cấp quốc gia và thành phố.
Di tích, di sản dày đặc, thế nhưng nói đến du lịch ở Gia Lâm, ngoài làng gốm cổ Bát Tràng thu hút đông đảo du khách, hầu hết các di tích, di sản giàu giá trị đều trong tình trạng... ngủ quên. Làm thế nào để phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện song song với làm tốt công tác bảo tồn là bài toán không dễ giải với huyện Gia Lâm. Những quần thể di tích trên quê hương Thánh Gióng ở Phù Đổng, quần thể di tích thờ Thái hậu Ỷ Lan ở Dương Xá... khá nổi tiếng, nhất là sau khi Lễ hội Thánh Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng nhìn chung, các di sản này chỉ thu hút du khách trong các dịp lễ hội. Các di tích trở nên vắng vẻ khi mùa lễ hội qua đi. Chính vì vậy, Phòng Văn hóa thông tin huyện Gia Lâm đã xây dựng dự án “Đầu tư tua du lịch đặc sắc về văn hóa lịch sử và văn hóa ẩm thực ngoại thành Hà Nội” (hay dự án Giữ gìn khai thác tiềm năng di sản văn hóa một số di tích huyện Gia Lâm). Sau khi phối hợp với Liên hiệp khoa học bảo tồn phát triển văn hóa Việt Nam – Đông Nam Á thực hiện cuộc khảo sát những di tích lịch sử - văn hóa quan trọng trên địa bàn, huyện Gia Lâm đã chọn ra 8 cụm di sản văn hóa tiêu biểu để xây dựng thành một tua du lịch văn hóa.
Thủy đình trước đền thờ Thánh Gióng - một kiến trúc có giá trị |
Những cụm di tích này nằm trên các xã: Bát Tràng, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Văn Đức, Dương Xá, Phú Thị. Trong đó, Bát Tràng ngoài lợi thế làng nghề, còn có hệ thống đình, chùa, văn chỉ có giá trị; Dương Xá có quần thể di tích thờ Thái hậu Ỷ Lan; Văn Đức nổi bật với những di tích liên quan đến Thánh Chử Đồng Tử; Kiêu Kỵ, bên cạnh nghề dát vàng quỳ, là cụm di tích với cây đa, cây đề có độ tuổi đến trên 6 thế kỷ - thuộc hàng những cây cao tuổi nhất VN...
Ông Đỗ Huy Thịnh, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Gia Lâm cho biết: “Tiềm năng của các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm là rất lớn. Chẳng hạn như chúng ta biết Hội Gióng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng chưa nhiều người biết, di sản vật thể trên đất Phù Đổng, quê hương Thánh Gióng hết sức phong phú. Ở đây có đền Thượng thờ Đức Thánh, đền Hạ thờ mẹ Đức Thánh, trong đó, đền Thượng là một di tích rất đẹp, cảnh quan hiếm có. Ngay phía trước đền là Ao Rối, với tòa thủy đình nằm dưới gốc cây bồ đề cổ thụ. Ngay sát đền Thượng là chùa Kiến Sơ. Đây là chùa thiền sư Vô Ngôn Thông, người khai mở thiền phái Vô Ngôn Thông từng trụ trì. Chùa Kiến Sơ còn là nơi Vua Lý Thái Tổ từng tu học cùng nhiều bậc danh tăng. Hay mọi người đến Bát Tràng, nhưng không phải ai cũng biết, ngôi làng này có nhiều di sản văn hóa quý báu khác bên cạnh nghề gốm. Vì thế, chúng tôi xây dựng dự án nhằm khai thác những tiềm năng này”.
Chỉ trong vài năm trở lại đây, huyện Gia Lâm đã tích cực đầu tư tu bổ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. 52 di tích đã được tôn tạo với kinh phí trên 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, để khai thác du lịch, cần tiếp tục đầu tư chỉnh trang di tích. Dự án “Đầu tư tua du lịch đặc sắc về văn hóa lịch sử và văn hóa ẩm thực ngoại thành Hà Nội” được chia 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất sẽ chỉnh trang một số di tích, giai đoạn tiếp theo, xây dựng tua du lịch qua 8 cụm di tích. Trong đó, dự án sẽ thực hiện trọn gói từ phương tiện đi lại đến đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho phù hợp với yêu cầu đặt ra của tua du lịch này. Ngoài ra, có thể sẽ mở rộng tua trên cơ sở hợp tác với địa phương lân cận như hợp tác với phường Việt Hưng (quận Long Biên), với đặc sản rắn của làng Lệ Mật (cũ) nhằm tăng sức hấp dẫn của tua du lịch. Hiện tại, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm đang lấy ý kiến của các địa phương nơi có di sản được đưa vào dự án để hoàn thiện và triển khai ngay trong năm nay. Hà Nội có thế mạnh là các di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, điểm yếu trong phát triển du lịch là việc hình thành những tua hấp dẫn trên địa bàn. Nhiều du khách đến Hà Nội đã phàn nàn rằng, Hà Nội chỉ có: Trở ra Văn Miếu, trở vào Hồ Gươm. Hy vọng rằng với việc xây dựng tua du lịch đến các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội sẽ có thêm những sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Giang Nam