Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch hôm qua (16/11), lực bán hoàn toàn áp đảo trên bảng giá của cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu, từ đó kéo chỉ số MXV- Index quay đầu giảm hơn 1% xuống 2.512 điểm.
Thị trường ghi nhận các mức giảm mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng, đặc biệt là trên nhóm kim loại và nông sản. Giá trị giao dịch toàn Sở theo đó cũng có sự sụt giảm, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức tương đối cao, đạt gần 6.000 tỷ đồng.
Kim loại gặp áp lực sau doanh số bán lẻ tích cực của Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/11, lực bán có xu hướng chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Lực bán mạnh vào cuối phiên đã thu hẹp đà tăng của giá bạc trong đầu phiên, khiến bạc kết thúc ngày giao dịch với mức biến động không đáng kể, chỉ tăng 0,03% lên 21,52 USD/ounce. Bạch kim ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 0,61% xuống 1.016,2 USD/ounce.
Vào tối qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố doanh số bán lẻ trong tháng 10 với con số bất ngờ tích cực hơn dự kiến, đạt mức tăng 1,3% so với tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm nay, và đánh bại kỳ vọng tăng 1% của các chuyên gia kinh tế. Dữ liệu tiêu dùng mạnh mẽ bất chấp môi trường chi phí vay tăng cao đang khiến nhiều nhà đầu tư quay trở lại với mối lo ngại rằng Fed sẽ còn nhiều không gian phát huy chính sách tiền tệ thắt chặt. Goldman Sachs cho biết họ đang bổ sung thêm 25 điểm cơ bản nữa vào triển vọng năm 2023 và nâng dự báo về lãi suất quỹ liên bang lên mức 5,0-5,25%, cao hơn mức định giá hiện tại của thị trường về lãi suất mục tiêu cao nhất là 4,92%. Điều này đã hạn chế tâm lý rủi ro của các nhà đầu tư, và gây áp lực lên giá kim loại quý vốn nhạy cảm với lãi suất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và bức tranh tiêu dùng tương đối tích cực, nhiều nhà giao dịch lạc quan giữ kỳ vọng về một cuộc "hạ cánh mềm", khi lạm phát được kiểm soát và Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái. Điều đó đã hạn chế đà giảm của bạc và bạch kim trong phiên.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX giảm 1,22% xuống còn 3,77 USD/pound sau dữ liệu giá nhà ở của Trung Quốc ghi nhận đà sụt giảm mạnh nhất trong 7 năm, bị đè nặng bởi những khó khăn kéo dài trong ngành và dịch bệnh tiếp tục hạn chế tâm lý đầu tư, hay sở hữu nhà ở. Cụ thể, giá nhà Trung Quốc giảm 1,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận sự sụt giảm tháng thứ 6 liên tiếp và cũng là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ tháng 8/2015. Trong khi đó, quặng sắt vẫn giữ được sắc xanh sau dữ liệu này. Kỳ vọng về gói hỗ trợ 16 điểm cho lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có thể cứu trợ cho nhu cầu vẫn đang thúc đẩy hoạt động của các nhà máy luyện thép sau một thời gian ảm đạm.
Nickel LME bất ngờ giảm mạnh 9% trong phiên hôm qua khi sàn giao dịch kim loại London LME cho biết đang tiến hành tăng cường giám sát giao dịch mặt hàng này trong điều kiện thị trường liên tục biến động mạnh và thanh khoản kém.
Nhóm đậu tương giảm mạnh
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 16/11, dưới sức ép từ đà giảm mạnh của giá dầu đậu tương, giá đậu tương đã liên tiếp suy yếu. Giá chỉ tăng nhẹ vào cuối phiên, sau khi tiến gần về ngưỡng hỗ trợ 1420 cents và lực mua kỹ thuật ở vùng giá này đã ngăn chặn giá giảm sâu hơn. Kết thúc phiên, giá đậu tương đóng cửa với mức giảm lên đến 1,92%, qua đó xóa đi hoàn toàn mức tăng từ phiên trước đó.
Bên cạnh sự lao dốc của dầu đậu, triển vọng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc tiếp tục ảm đạm từ giờ cho tới cuối năm là yếu tố góp phần không nhỏ vào sự suy yếu của giá đậu tương trong phiên hôm qua. Theo dữ liệu thương mại của Refinitiv, Trung Quốc đã nhập khẩu 65,4 triệu tấn đậu tương từ Mỹ, Brazil, Argentina và Uruguay trong 10 tháng đầu năm nay, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 10, các lô hàng đậu tương từ Mỹ đến nước này chỉ đạt 0,8 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ những năm trước. Trong tháng này, Refinitiv dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 3,8 triệu tấn đậu tương từ Mỹ. Dù tăng thêm 3 triệu tấn so với tháng 10, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với các số liệu lịch sử. Nguyên nhân chính được Refinitiv đưa ra để giải thích cho khối lượng đậu tương nhập khẩu đáng thất vọng của Trung Quốc trong năm nay chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ hạt có dầu của nước này đã yếu đi do các chính sách phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Hơn nữa, việc mùa vụ tại các nước sản xuất lớn như Brazil và Mỹ đều bị thiệt hại do thời tiết trong năm nay đã đẩy giá đậu tương toàn cầu lên mức cao nhất trong vòng 10 năm và cũng ảnh hưởng tới quyết định nhập khẩu của các nhà máy ép dầu đậu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giá khô đậu tương cũng suy yếu trong phiên hôm qua và gần như xóa đi mức tăng từ phiên hôm trước. Lực bán chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian giao dịch, khi mà dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Chính phủ Mexico thông báo sẽ tiến hành tiêm vaccine cúm gia cầm trong tuần này để ngăn chặn sự lây lan của virus H5N1, 1 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại một trang trại ở gần biên giới với Mỹ. Đối với dầu đậu tương, đây là mặt giảm mạnh nhất cả nhóm với mức giảm lên tới 3,77%. Sức ép từ lực bán chốt lời, cùng với sự suy yếu của cả dầu thô và dầu cọ đã gây sức ép lên giá dầu đậu.
Giá nông sản nhập khẩu đồng loạt hạ nhiệt
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương ở mức 14.250 – 14.450 đồng/kg cho hợp đồng giao tháng cuối năm nay và dao động trong khoảng 13.850 – 13.950 cho kỳ hạn giao quý 1 năm sau, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Trong khi đó, giá chào bán ngô ở mức 8.600 – 8.750 đồng/kg đối với kỳ hạn giao cuối năm này và ở khoảng 9.050 – 9.300 đối với kỳ hạn giao đầu năm 2023. Như vậy, giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.
NT