In bài viết

Gia tăng số người mắc các rối loạn tâm thần liên quan tới stress

(Chinhphu.vn) – Khi xã hội càng phát triển thì số người bị mắc stress càng nhiều do sức ép trong công việc, học tập, sự nghiệp, mâu thuẫn gia đình, xã hội… Các rối loạn bệnh liên quan đến stress như lo âu lâu ngày, ám ảnh, hoảng sợ, dẫn tới rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm…

05/04/2019 15:29

Mỗi ngày, Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khám và điều trị trung bình 
cho khoảng 300 bệnh nhân ngoại trú. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai có tiếp nhận một bệnh nhân nữ 38 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng thường xuyên đau đầu.

Theo lời kể của bệnh nhân, chị lấy chồng từ năm 26 tuổi, cuộc sống gia đình ổn định mức trung bình. Sau một thời gian, vợ chồng quyết định xây nhà và phải vay mượn thêm khoảng 1/4 số tiền.

Trong quá trình xây nhà, chồng bệnh nhân thường phải đi làm xa nên gần như không giúp đỡ vợ. Điều này khiến bệnh nhân lo nghĩ kéo dài, dẫn tới xuất hiện biểu hiện căng thẳng, luôn trong tâm trạng lo lắng, đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, chỉ ngủ được 1-2 giờ mỗi đêm.

Đặc biệt, khi gặp căng thẳng bệnh nhân thường thấy tim đập nhanh, hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược. Nhận thấy những biểu hiện bất thường này, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm.

Sau đó, bệnh nhân tới Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn stress dạng cơ thể (một biểu hiện của rối loạn tâm thần) do quá cầu toàn và lo âu, đặc biệt về chuyện nợ nần. Đến nay, sau một thời gian điều trị, tình trạng bệnh nhân đang dần thuyên giảm.

Theo TS. BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, trường hợp của bệnh nhân trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mắc các rối loạn liên quan đến stress đang chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng và ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay.

Đa số người bệnh không nghĩ mình mắc các chứng tâm thần, dẫn tới việc phát hiện và điều trị muộn. Người bệnh thường phải mất nhiều thời gian đi khám trước khi đến chuyên khoa tâm thần nên gây nhiều gánh nặng cho xã hội và chính bản thân người bệnh. Thậm chí có trường hợp, đi khám nhiều nơi không ra bệnh, càng thêm lo âu và căng thẳng, dẫn tới trầm cảm, gây khó khăn trong công việc, cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Bên cạnh đó, những rối loạn về tình dục, giấc ngủ, rối loại ăn uống đều liên quan tới tâm thần. Mỗi ngày, riêng Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khám và điều trị trung bình cho khoảng 300 bệnh nhân ngoại trú.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Trên thế giới cũng có khoảng 350 triệu bệnh nhân đang phải chịu đựng trầm cảm, 5% phải chịu đựng lo âu. Chi phí y tế cho điều trị rối loạn lo âu cao gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Đặc biệt, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần. Những con số rất đáng báo động.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, sau stress thông thường ai cũng có những phản ứng, cảm xúc căng thẳng ở mức nhất định, nhưng theo thời gian sẽ giảm và ổn dần. Tuy nhiên, nếu là bệnh thì ngược lại hoặc trước kia khỏe mạnh, nay xuất hiện những triệu chứng không thể giải thích được về mặt cơ thể và các triệu chứng thường giao động theo trạng thái tinh thần.

Nếu bệnh ở giai đoạn muộn hơn, sau khi đi khám và xét nghiệm mà không phát hiện bất thường phù hợp với các khó chịu mà mình đang “trải nghiệm”, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị kịp thời.

Để phòng stress, TS Dương Minh Tâm cho biết, người dân cần xây dựng lối sống lành mạnh, kết hợp làm việc và tập luyện thể thao, giải trí cân bằng trong cuộc sống.

Hiền Minh